Hà Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế tại Thái Bình

(Baohatinh.vn) - Những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của Thái Bình sẽ góp phần quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn, nghiên cứu trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho nhân dân...

Hôm nay (12/11), đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn làm trưởng đoàn có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tích tụ ruộng đất gắn với phát triển kinh tế tập thể và doanh nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Hà Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế tại Thái Bình

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình luôn nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, bình quân 4 năm 2016 - 2019, GRDP tăng 10,4%/ năm.

Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 263/263 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 7/7 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí, trong đó có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ và hiệu quả.

Về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, các cấp ủy Đảng ở tỉnh Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp lệnh của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhân rộng các điển hình, mô hình thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Nhờ đó, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đi vào nền nếp, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hà Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế tại Thái Bình

Đoàn công tác Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tham quan Công ty CP Sản xuất hàng thể thao xuất khẩu (MXP) tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy biên chế, mối quan hệ công tác của từng cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy.

Điểm nổi bật là đến nay cùng với giảm các phòng, ban trong khối mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội, tỉnh Thái Bình đã sắp xếp các sở, ngành, giảm chi cục, phòng thuộc sở và hợp nhất một số cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tỉnh đã thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tại 4 huyện; xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện thí điểm chức danh Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ tại một số huyện.

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình đã thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương ở 8/8 huyện, thành phố. Về thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính Phủ, toàn tỉnh đã tinh giản 330 biên chế. Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị.

Trên lĩnh vực tích tụ ruộng đất và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai vùng đồng bằng ven biển. Tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách về thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, HTX với người dân.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, đến nay, tỉnh Thái Bình đã có trên 17.400 ha đất được tích tụ tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Hầu hết các diện tích đất được tích tụ trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Hà Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế tại Thái Bình

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của Thái Bình sẽ góp phần quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn, nghiên cứu trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho nhân dân...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự đón tiếp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất của lãnh đạo tỉnh Thái Bình đối với đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong đợt tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm lần này.

Những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, sáng tạo, nhất là trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Thái Bình sẽ góp phần quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn, nghiên cứu trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Hà Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế tại Thái Bình

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast