Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang
An Giang là tỉnh nông nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long với hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Xác định nông nghiệp là nền tảng kinh tế, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình hành động về “Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”… nhằm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị và chất lượng.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2019, diện tích trồng lúa của tỉnh giảm 18.800 ha so với năm 2015. Diện tích cây ăn quả đạt trên 15.600 ha, tăng hơn 6.300 ha so với năm 2015. Việc phát triển kinh tế tập thể, mô hình tổ hợp tác đang được nhân rộng trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Hà Tĩnh trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, nhất là việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), tỉnh An Giang đã ban hành chương trình hành động và tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Tỉnh xác định những vấn đề đã rõ, dễ làm thì thực hiện trước, những việc mới thì tiến hành thí điểm, rút kinh nghiệm, không nóng vội.
Qua 2 năm triển khai, đến nay, tỉnh An Giang đã nhất thể hóa chức năng Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; tổ chức sắp xếp lại các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, tinh gọn bộ máy hoạt động trong các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đến các xã, thôn, ấp v.v...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đánh giá cao mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang thâm canh cây xoài theo tiêu chuẩn Vietgap ở huyện Chợ Mới.
An Giang đã làm tốt công tác tư tưởng, đánh giá lựa chọn năng lực cán bộ, tiến hành các bước sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong hệ thống chính trị và ở từng đơn vị, địa phương.
Đoàn công tác tham quan, khảo sát nghiên cứu mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn Vietgap của HTX Trái cây Gap Chợ Mới ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Hà Tĩnh trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, nhất là việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu để mỗi làng quê nông thôn trở nên yên bình, trù phú.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã chia sẻ về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, việc thực hiện quy chế dân chủ trong Đảng, tinh thần đoàn kết trong nhân dân luôn là yếu tố quan trọng góp phần khơi dậy và thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh An Giang.
Tại tỉnh Kiên Giang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng đoàn đã đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm công nghiệp của Công ty CP Chế biến thủy sản Trung Sơn ở huyện Kiên Lương. Đây là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn Vietgap, thực hiện đồng bộ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vệ sinh công nghiệp.
Đến kỳ thu hoạch, toàn bộ tôm của công ty sẽ được đưa vào nhà máy chế biến, xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu. Hiện tại, nhà máy chế biến của công ty Trung Sơn có công suất giai đoạn 1 là 200 tấn tôm nguyên liệu/tháng, phấn đấu thời gian tới sẽ nâng lên 500 tấn/tháng, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
Tại tỉnh Kiên Giang, đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm công nghiệp...
Cùng với tham quan, khảo sát mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dây chuyền thiết bị chế biến của nhà máy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng đoàn đã tìm hiểu quy trình kỹ thuật xử lý ao nuôi, việc lựa chọn con giống, thức ăn, chất lượng nguồn nước đảm bảo cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt.
Các đồng chí trong đoàn cũng đã tìm hiểu về lịch thời vụ, mật độ nuôi, biện pháp theo dõi tình hình sức khỏe, phát triển của tôm, hệ thống quản lý môi trường nuôi tôm công nghiệp, an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, xuất khẩu.
... và tham quan nhà máy chế biến của Công ty CP Chế biến Thủy sản Trung Sơn
Với tiềm năng, lợi thế vùng ven biển Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn mong muốn Công ty CP Chế biến thủy sản Trung Sơn có thể khảo sát, tìm hiểu mở rộng vùng nguyên liệu tại Hà Tĩnh gắn với xây dựng nhà máy chế biến tôm. Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp với người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi tôm.
Nhân dịp này, đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã đến tham quan, dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Hòn Đất, nơi có mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.