Mãi đi theo con đường của Lê-nin và Bác Hồ

(Baohatinh.vn) - Cùng với sự kính trọng, ngưỡng mộ vị lãnh tụ thiên tài, Nhân dân Việt Nam nói riêng, giai cấp vô sản toàn thế giới nói chung biết ơn V.I. Lê-nin vì Người đã khai sáng một con đường cho các dân tộc bị nô lệ, áp bức, đau khổ. Hình ảnh Lê-nin gắn với Cách mạng tháng Mười Nga - “vầng mặt trời chói lọi, chiếu sáng khắp năm châu”.

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I. Lê-nin 22/4 (1870-2020)

Lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản

Vla-đi-mia I-lích Lê-nin sinh ngày 22/4/1870 ở Xim-biec (nay là tỉnh Uli-a-nốp) trong một gia đình trí thức trung lưu, tên khai sinh là Vla-đi-mia I-lích Uli-a-nốp. Thuở thiếu thời, V.I. Lê-nin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao; thời thanh niên, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Kazan, học Khoa Luật.

Mãi đi theo con đường của Lê-nin và Bác Hồ

V.I. Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu

Mùa thu 1895, V.I. Lê-nin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Năm 1900, Lê-nin thành lập Đảng, rồi ra nước ngoài hoạt động và lập ra tờ báo “Tia lửa”. Tháng 4/1905, Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tại Luân-đôn bầu Ủy ban Trung ương do V.I. Lê-nin đứng đầu.

Tháng 11/1905, V.I. Lê-nin bí mật trở về Xanh-pê-téc-bua để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 12/1907, V.I. Lê-nin sống ở nước ngoài, hoạt động trong thời kỳ bí mật, lãnh đạo tờ báo Pra-vda (Sự thật). Thời kỳ này, V.I. Lê-nin soạn thảo xong Đề cương Mác-xít về vấn đề dân tộc.

Ngày 16/4/1917, V.I. Lê-nin đến Petrograd trình bày Luận cương Tháng Tư, đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết!”. Đầu tháng 10/1917, V.I. Lê-nin từ Phần Lan bí mật trở về Xanh-pê-téc-bua, lập kế hoạch khởi nghĩa vũ trang.

Mãi đi theo con đường của Lê-nin và Bác Hồ

Lãnh tụ Vladimir Lenin diễn thuyết trước đông đảo quần chúng nhân dân Nga. Ảnh tư liệu

Tối ngày 6/11/1917, V.I. Lê-nin trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 7/11/1917, toàn thành phố Xanh-pê-téc-bua nằm trong tay những người khởi nghĩa và đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng tháng Mười Nga đã toàn thắng. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.

Ngày 21/4/1924, V.I. Lê-nin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Mát-xcơ-va. Thi hài ông được lưu giữ trong lăng trên Quảng trường Đỏ, Mát-xcơ-va.

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin

... Cách mạng tháng Mười/ Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó/ Với Lê-nin, làm lại loài người/ Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi/ Trong đêm tối mở chân trời hừng hực... Những vần thơ trong bài “Với Lê-nin” của nhà thơ Tố Hữu gợi chúng ta niềm yêu kính, tưởng nhớ của người dân Việt Nam với người thầy vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1911, chàng trai trẻ yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu thủy của Pháp trên bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập tại Mát-xcơ-va dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin. Tại Đại hội II (1920) Quốc tế Cộng sản, V.I. Lê-nin đã trình bày “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”.

Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang ở Pháp, đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Người đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (gọi tắt là Luận cương Lê-nin) của V.I. Lê-nin đăng trên báo “Nhân đạo” (tháng 7/1920).

Mãi đi theo con đường của Lê-nin và Bác Hồ

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920. Ảnh: Tư liệu

Trong bài: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Người viết: “Luận Cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Sau khi đọc Luận cương Lê-nin, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Vậy là từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin (Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước).

Vững lòng đi theo con đường của Bác

Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi đêm trường nô lệ, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo toàn thể Nhân dân Việt Nam lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chiến thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ, đưa đất nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, Nhân dân được hưởng độc lập, ấm no, tự do, hạnh phúc.

Mãi đi theo con đường của Lê-nin và Bác Hồ

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)

Dù hiện nay thế giới có nhiều biến động, nhưng nhớ lời của Bác, toàn Đảng, toàn dân ta một lòng tin tưởng, kính trọng Lê - nin và các lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Những trước tác của Lê - nin đến nay vẫn là nền tảng lý luận của các Đảng Cộng sản trên thế giới và là đề tài nghiên cứu vô tận của Triết học.

Lý tưởng cao đẹp, cuộc đời hoạt động trong sáng, sôi nổi và đầy nhiệt huyết cách mạng cùng với những câu nói nổi tiếng của Lê-nin đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của V.I. Lê-nin là để toàn Đảng, toàn dân ta thêm quyết tâm xây dựng đất nước, giữ vững, vun đắp, làm phong phú thêm nền tảng tư tưởng Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast