Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đảm bảo khoa học, thực tiễn

(Baohatinh.vn) - Qua rà soát theo tinh thần Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2025, Hà Tĩnh có 43 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, gồm 1 cấp huyện và 42 xã.

Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đảm bảo khoa học, thực tiễn

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng chủ trì.

Tham dự và điều hành điểm cầu Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Lê Ngọc Châu; Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Các huyện, thành, thị bố trí điểm cầu tại mỗi địa phương.

Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đảm bảo khoa học, thực tiễn

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ Hiến pháp, chú trọng yếu tố đặc thù

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã quán triệt nội dung Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; nội dung Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 là đơn vị đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13; ĐVHC cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030 là huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; đơn vị cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện; phải tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển KT-XH…

Tại hội nghị, các bộ, ngành cũng hướng dẫn các nội dung tổ chức thực hiện theo thẩm quyền; đơn vị, địa phương trao đổi một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp ĐVHC trong thời gian tới.

Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đảm bảo khoa học, thực tiễn

Đại biểu dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2019 - 2021 Hà Tĩnh giảm 46 đơn vị cấp xã

Tại Hà Tĩnh, địa phương xác định sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tỉnh thực hiện sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã thành 34 ĐVHC cấp xã, giảm 46/262 đơn vị cấp xã; giải quyết chế độ chính sách trên 1.000 người dôi dư do sắp xếp; tiết kiệm ngân sách 50 tỷ đồng/năm.

Quá trình sắp xếp phát sinh một số tồn tại, khó khăn: Sau sắp xếp, một số đơn vị mới được thành lập nên gặp khó khăn trong việc bố trí trụ sở làm việc. Việc xử lý cơ sở nhà, trụ sở làm việc sau sắp xếp vướng quy định của Luật Quản lý tài sản công và Luật Đất đai; trình tự, thủ tục qua nhiều bước; cấu trúc văn hóa làng xã trước đây có sự thay đổi nhất định ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân...

Qua rà soát theo tinh thần Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2025, Hà Tĩnh có 43 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, gồm: 1 ĐVHC cấp huyện và 42 ĐVHC cấp xã. Về lộ trình, Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại từ việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021; khẩn trương điều chỉnh, bổ sung nội dung “thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030” vào Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng phương án tổng thể, đề án và tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng kế hoạch, lộ trình Trung ương giao...

Sắp xếp phù hợp với các quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững

Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đảm bảo khoa học, thực tiễn

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, sắp xếp ĐVHC là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển; gây khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển KT-XH cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quá trình thực hiện giai đoạn vừa qua phát sinh một số khó khăn, hạn chế như: Việc sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách có nơi, có lúc chưa kịp thời; chất lượng đô thị một số ĐVHC hình thành sau sắp xếp chưa đạt yêu cầu; sắp xếp trụ sở, cơ quan còn lãng phí; việc thực hiện các chính sách đặc thù sau sắp xếp chưa được hướng dẫn kịp thời; kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn còn chậm...

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru. Đặc biệt, sau khi sắp xếp sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất… do đó phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.

Khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được với tinh thần tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả, trong quá trình lãnh đạo cần có tư tưởng thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; quá trình điều hành cần có trọng tâm trọng điểm; đảm bảo minh bạch, công khai, tập trung, không dàn trải, không nóng vội.

Trong tổ chức thực hiện cần tập trung tuyên tuyền, tạo đồng thuận cao trong Nhân dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, điều hành, đảm bảo mục tiêu đề ra. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành và địa phương các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thủ tướng lưu ý, quá trình thực hiện cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tổng thể, có lộ trình theo giai đoạn; bố trí nguồn lực, cách làm phù hợp. Việc sắp xếp phải phù hợp với các quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững. Sắp xếp ĐVHC phải gắn với việc đổi mới sắp xếp bộ máy chính quyền; tạo được không gian phát triển mới; vừa căn cứ tiêu chuẩn và các tiêu chí theo quy định vừa căn cứ điều kiện thực tế, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù để đảm bảo khoa học và thực tiễn.

Cùng đó, cần giải quyết các tồn tại, hạn chế từ quá trình triển khai giai đoạn trước; thực hiện chế độ, chính sách hợp lý với cán bộ, người dân có liên quan; tạo được thuận lợi cho hoạt động người dân, doanh nghiệp; đảm bảo QP-AN, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện và tổ chức quán triệt, phố biến các văn bản; xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình, nguồn lực thực hiện sát với tình hình thực tiễn. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vấn đề phát sinh...

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast