Chợ ở Nghi Xuân bỏ hoang, tiểu thương bày bán hàng bên lề đường

(Baohatinh.vn) - Chợ Đón ở xã Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã được nâng cấp khá khang trang, rộng rãi nhưng đang bị bỏ hoang trong khi tiểu thương lại bày bán hàng hóa ở phía ngoài cổng.

Chợ ở Nghi Xuân bỏ hoang, tiểu thương bày bán hàng bên lề đường

Chợ Đón được xây dựng với không gian rộng rãi.

Chợ Đón (thôn Hồng Thủy, xã Xuân Hải) được hình thành cách đây khoảng 40 - 50 năm. Đến năm 2004, chợ được chính quyền địa phương xây dựng lại để đáp ứng hoạt động giao thương của người dân.

Năm 2016, HTX Thương mại dịch vụ Hải Sơn đấu thầu, đầu tư xây thêm các ki-ốt, nâng cấp hạ tầng có quy mô hơn 3.500 m2, bao gồm: nhà điều hành, đình chợ, nhà để xe, hệ thống khu vực bán hàng (được chia theo từng nhóm ngành hàng) và các ki-ốt mặt tiền cổng chợ…

Tuy nhiên, từ sau khi xây dựng lại, đưa vào sử dụng đầu năm 2017, hoạt động kinh doanh trong chợ chỉ có số ít tiểu thương và thời gian gần đây thì nghỉ hẳn.

Chợ ở Nghi Xuân bỏ hoang, tiểu thương bày bán hàng bên lề đường

Các quầy hàng bên trong chợ đang trở thành nơi chứa vật liệu xây dựng.

Theo ghi nhận, hiện nay, phía trong đình chợ và các khu quầy hàng bị bỏ trống, các sạp hàng trở thành nơi chứa rơm rạ, vật liệu xây dựng. Do bị bỏ hoang nên khung cảnh trông nhếch nhác, hạ tầng xuống cấp, cỏ dại mọc khắp nơi.

Chợ ở Nghi Xuân bỏ hoang, tiểu thương bày bán hàng bên lề đường

Cơ sở hạ tầng chợ Đón bị xuống cấp, hư hỏng, bụi bẩn, cỏ dại mọc khắp nơi.

Ông Đậu Văn Sơn - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Hải Sơn cho biết: “Sau khi nâng cấp, mở rộng chợ, có vài chục hộ kinh doanh thực phẩm, hàng mã, hoa quả. Tuy nhiên, vài năm lại đây, tình hình vào bán ở chợ của tiểu thương ít dần và từ đầu năm 2022 tới nay thì không còn hộ kinh doanh nào bán hàng phía bên trong. Hiện nay, vào buổi chiều, một số tiểu thương kinh doanh hàng hải sản, hoa quả bày bán ở phía ngoài cổng chợ hoặc vỉa hè, lề đường khu vực lân cận”.

Chợ ở Nghi Xuân bỏ hoang, tiểu thương bày bán hàng bên lề đường

Hiện nay, chỉ có các ki-ốt kinh doanh phía mặt đường và tiểu thương bán hàng ở lề đường.

Nói về lý do tiểu thương không vào chợ, ông Sơn cho rằng, do đặc thù địa bàn gần biển, tiểu thương chủ yếu kinh doanh hải sản, lúc nào có hàng mới mang lên bán nên sẵn đâu bán đó. Thường thì, bà con bày bán trong vòng bán kính 100m từ cổng chợ. Ngoài ra, một số tiểu thương trước đây bán hàng trong chợ thì nay cũng mang hàng hóa về dựng sạp ở nhà để bán.

“Chúng tôi đấu thầu và bỏ kinh phí hơn 3 tỷ đồng đầu tư nâng cấp chợ nhưng tiểu thương không vào bên trong kinh doanh. Hiện chỉ có 7 ki-ốt thuê bán ở phía mặt đường. Hợp tác xã đã phản ánh việc này nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện” - ông Sơn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoa - tiểu thương 15 năm kinh doanh hàng hoa quả ở khu vực cổng chợ Đón cho biết: "Tiểu thương không muốn vào chợ vì nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do người bán 2 bên đường nhiều nên người dân cũng quen mua phía bên ngoài, nếu vào chợ sẽ rất khó bán. Trước nay, chính quyền xã đã nhiều lần dẹp trật tự vỉa hè nhưng không lâu sau thì đâu vào đó”.

Chợ ở Nghi Xuân bỏ hoang, tiểu thương bày bán hàng bên lề đường

Tiểu thương bán hải sản ở vỉa hè cách chợ Đón khoảng 100m.

Theo ông Trần Văn Vỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, trước đây, do đặc thù gần vùng biển nên vào buổi chiều hoạt động buôn bán của tiểu thương diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, một số tiểu thương không vào chợ mà kinh doanh phía bên ngoài cổng chợ, gây ảnh hưởng đến giao thông khi khách hàng dừng xe lại để mua bán. Đây cũng là vấn đề trăn trở của địa phương. Chính quyền địa phương sẽ sớm làm việc với HTX Thương mại dịch vụ Hải Sơn để tìm giải pháp đưa chợ Đón đi vào hoạt động hiệu quả.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.