Tình trạng ô nhiễm ở khu vực buôn bán rau quả trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân khi vào chợ.
6 giờ sáng, tại khu buôn bán rau quả (đường Hà Tôn Mục, TP Hà Tĩnh), sau khi những chiếc xe tải, xe thồ vừa hoàn thành việc giao nhận rau thì chúng tôi cũng chứng kiến cảnh các loại rác được vứt bừa bãi trên sân. Ngoài những loại rác khô như thùng xốp, lưới bọc hoa quả, sân chợ TP Hà Tĩnh sau cơn mưa còn trở nên lầy lội hơn bởi phế phẩm từ rau, củ, quả do tiểu thương tuỳ tiện vứt ra bị giẫm nát. Thực tế đó cộng với việc xuống cấp của nền xi măng khiến cho việc đi lại càng trở nên khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Đào (phường Nam Hà) cho biết: “Mua rau quả ở chợ tỉnh hàng chục năm nay, do khu bán rau quá bẩn nên ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi phải đi ủng để đảm bảo vệ sinh. Nhất là trong những ngày lễ, tết, rác còn “tấn công” ra tận ngoài đường lớn và bốc mùi rất khó chịu”.
Không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của khách hàng, rác thải trong khu vực này còn thường xuyên bốc mùi xú uế. Trong những ngày thời tiết thay đổi, ai đi qua khu vực này đều phải… nín thở. Chị Hằng - một tiểu thương kinh doanh quần áo trong đình chợ cho biết: “Tình trạng rác bốc mùi đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Ở khoảng cách xa chợ rau như chúng tôi mà còn thấy khó chịu thì nói gì đến những hộ ở gần khu vực tập kết rác”.
Đến gần khu tập kết trung chuyển rác thải của chợ, mùi hôi thối bốc lên đến lợm giọng. Rác chật cứng các xe rò (xe chuyên dụng thu gom), tràn đầy, không còn lối đi. Được biết, để điều hành công tác thu gom rác thải, BQL chợ TP Hà Tĩnh đã thành lập tổ thu gom gồm 18 người (phân bổ đi các chợ khác 3 người). Đồng thời, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thu gom. Tuy nhiên, công việc gần như quá tải đối với công nhân ở đây, rác ứ đọng nhiều đến mức không còn chỗ để tập kết. Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ thành phố
Hà Tĩnh cho biết: “Với hơn 2.000 tiểu thương, mỗi ngày, lượng rác xả ra rất lớn, bình quân khoảng 20 - 30 m3, các đợt cao điểm lễ tết khoảng 50 - 60 m3. Thế nhưng, khu tập kết rác theo quy mô chỉ chứa được khoảng 30 xe rò (10 m3 rác). BQL đã hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh để vận chuyển rác trong ngày nhưng có những thời điểm, xe của công ty bốc không kịp. Vì vậy, rác ứ lại gây ô nhiễm”. Cũng theo ông Hòa, BQL chợ buộc phải đầu tư thêm 20 xe rò để chứa nhưng nhiều thời điểm, công nhân ở đây vẫn phải dồn rác xuống sàn nhà để tiếp tục lấy xe thu gom.
Cảnh nhếch nhác trước chợ TP. Hà Tĩnh
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực chợ ngày càng trở nên trầm trọng là hạ tầng xuống cấp. Gần như tất cả nền sân đã bị xói lở, nham nhở những “ổ trâu”, “ổ gà”, gây đọng rác thải, nước thải. Đặc biệt ở khu vực chợ rau, thực phẩm tươi sống không có những khu sơ chế, vòi nước vệ sinh; mương thoát nước thải nhiều đoạn bị “lộ thiên” do bị bật nắp cống… Trong khi đó, tốc độ phát triển về kinh doanh, buôn bán ngày càng mở rộng, hạ tầng cũ kỹ này gần như không đủ sức “kham”. Tất nhiên, không loại trừ ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cả tiểu thương và khách hàng.
Mặc dù khẳng định đây là “bệnh kinh niên” nhưng BQL chợ gặp không ít khó khăn trong giải quyết tồn đọng này. “Phương án khả dĩ nhất là đầu tư, nâng cấp hạ tầng, nhất là sân nền các khu chợ. Tuy nhiên, cần nguồn kinh phí lớn, đầu tư đồng bộ, trong khi ngân sách của đơn vị hạn chế. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bãi tập kết rác của chợ cũng gặp khó khăn khi quỹ đất của thành phố hạn hẹp, vướng rất nhiều quy hoạch chung của toàn thành phố” - ông Hòa cho biết thêm.
Được biết, TP Hà Tĩnh đang hoàn thiện đề án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Thành phố dự định sẽ đa dạng hóa việc đầu tư các cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị để phục vụ tốt công tác thu gom, xử lý chất thải, rác thải; đồng thời, huy động và sử dụng nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các mô hình phát triển đầu tư sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Trong lúc các cấp quản lý loay hoay tìm phương án giải quyết thì người dân cũng đang phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe. Xử lý tình trạng này là yêu cầu cấp thiết đối với sức khỏe nhân dân, đồng thời cũng góp phần tạo mỹ quan cho đô thị đang vươn mình lên đô thị loại II.