Một phụ nữ Anh bị sốc sau khi đa số người Anh ủng hộ Brexit. (Ảnh: Reuters)
Brexit - thuật ngữ ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), chỉ việc Anh rời EU - cuối cùng cũng đã trở thành sự thực. Kết quả kiểm phiếu cuộc trưng cầu dân ý của Anh về Brexit ở Cornwall hôm 24/6 cho thấy có 56% trong tổng số tất cả các phiếu cử tri ở hạt nằm phía Tây Nam nước Anh ủng hộ nước này nên rời khỏi EU.
Trong số các cử tri bỏ phiếu “Leave” (rời đi) ở Cornwall, có không ít là các quan chức địa phương ở đây. Để rồi chỉ một ngày sau đó, giới chức cũng như người dân Cornwall hoang mang tự hỏi lẫn nhau: "Chúng ta đã làm gì thế này?"
Hạt Cornwall ở Anh phụ thuộc rất lớn vào khoản trợ cấp hàng năm lên đến hơn 60 triệu Bảng Anh (tương đương 82 triệu USD) từ EU. Khoản tiền này sẽ được Cornwall sử dụng để cấp vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục. Hiện tại, các quan chức ở Cornwall đang hoang mang thực sự. Họ lo sợ về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho tương lai của Cornwall và tự hỏi tại sao một trong những hạt phụ thuộc nhiều nhất vào EU ở Anh lại bỏ phiếu chống EU cũng như nguồn cung tài chính của mình.
"Hiện tại, chúng ta biết rằng Anh sẽ rời khỏi EU và chúng tôi sẽ thực hiện các hành động khẩn cấp để đảm bảo rằng Chính phủ Anh sẽ bảo vệ vị trí của Cornwall trong bất kỳ một cuộc đàm phán nào" – người đứng đầu Hội đồng hạt Cornwall, ông John Pollard, cho biết qua một thông báo được đăng tải trên trang web chính thức của địa phương.
“Chúng tôi đang theo đuổi mục tiêu giúp Cornwall nhận về một khoản đầu tư tương đương với khoản tài chính được cung cấp theo chương trình của EU". Ông Pollard nói thêm. Hạt Cornwall nhận trung bình khoảng 82 triệu USD mỗi năm từ chương trình của EU trong suốt một thập kỷ qua.
Cornwall khó có thể tự mình vận động mà không có khoản trợ cấp hàng năm của EU hoặc khoản bồi thường có giá trị tương đương từ Chính phủ Anh. Hạt với hơn 500.000 cư dân này được xem là một trong những khu vực nghèo nhất nước Anh và theo nhận định của các chuyên gia việc cắt giảm các khoản viện trợ có thể sẽ trở thành “thảm họa” đối với Cornwall.
Trong một nghiên cứu được Viện Civitas công bố năm 2014, các hạt nghèo như Cornwall được nhận định sẽ là yếu tố bất lợi cho phe ủng hộ Brexit. EU đặc biệt sử dụng các khoản trợ cấp để hỗ trợ các khu vực nghèo và các nước thành viên của Liên minh châu Âu. Đấy cũng là lý do vì sao những người nghèo nhất ở Anh sẽ là đối tượng cảm thấy được sự thiếu hụt nguồn tài chính được chuyển về từ Brussels nhiều nhất.
“Cornwall là vùng thụ hưởng lớn từ khoản chi tiêu của EU, vì vậy nếu Anh rời khỏi EU thì Bộ Tài chính Anh phải rất cẩn trọng để đảm bảo tình hình kinh tế địa phương này không rơi vào tê liệt” – ông Jonathan Lindsell, một trong những tác giả của nghiên cứu trên, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tờ Western Morning News năm 2014.
Tuy nhiên cảnh báo trên đã không ngăn nổi người dân Cornwall bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Chiến dịch “Leave” của phe ủng hộ Brexit trước đó đã cam kết với người dân cũng như chính quyền hạt Cornwall rằng địa phương này sẽ không bị mất bất kỳ một khoản trợ cấp nào nếu Anh rời EU. Tuy nhiên, các quan chức Cornwall hiện tại đang lo lắng rằng lời cam đoan này ít nhiều đã giảm bớt đi sự tin cậy.
“Trước cuộc trưng cầu dân ý, chúng tôi được trấn an rằng một chiến dịch ‘Leave’ - tức một rời khỏi EU - sẽ không ảnh hưởng đến nguồn tài chính mà EU phân bổ đến Cornwall”, Hội đồng hạt Cornwall viết trong một tuyên bố phát đi ngày 24/6. “Chúng tôi đang xin một xác nhận khẩn cấp từ các Bộ trưởng về vấn đề này” - tuyên bố tiếp tục.
Những lo ngại của giới chức hạt Cornwall không phải là vô lý khi chỉ vài giờ sau khi giúp đỡ phe ủng hộ Brexit chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân, ông Nigel Farage, Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP), xuất hiện trên chương trình Good Morning Britain và thừa nhận rằng ông không đảm bảo việc 350 triệu bảng Anh đáng lý phải nộp cho EU mỗi tuần sẽ được chi tiêu cho hệ thống y tế quốc gia như phe ủng hộ ra đi đã tuyên bố trước đó.