Tên lửa mới của Nga đẩy xung đột Ukraine sát ngưỡng chiến tranh hạt nhân

Phóng tên lửa tầm trung mới vào Ukraine, Nga dường như muốn gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ hơn tới Kiev và phương Tây về "ngưỡng hạt nhân".

Tổng thống Vladimir Putin tối 21/11 tuyên bố quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công hiệp đồng, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik, nhằm vào Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash), một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn và nổi tiếng nhất của Ukraine, đặt tại thành phố miền trung Dnipro.

Ông Putin khẳng định Oreshnik là một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga, có thể lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa 10.800 km/h, gấp 10 lần âm thanh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva ngày 21/11. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva ngày 21/11. Ảnh: AFP

"Các hệ thống phòng thủ hiện có trên toàn cầu, kể cả lá chắn được Mỹ triển khai ở châu Âu, đều không thể chặn được loại đầu đạn này", ông Putin nói.

Theo ông chủ Điện Kremlin, động thái này nhằm đáp trả việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow do Anh chế tạo để tấn công tỉnh Bryansk và Kursk của Nga trước đó.

Đòn tập kích bằng vũ khí đạn đạo hoàn toàn mới của Nga đã gây chấn động dư luận thế giới, bởi không quân Ukraine ban đầu thông báo đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, loại vũ khí vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược, thường là trong cuộc chiến giữa các siêu cường.

Giới chuyên gia nhận định vụ phóng tên lửa mới này đã truyền tải thông điệp của Tổng thống Putin một cách rõ ràng: Nếu các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí tầm xa để Ukraine tập kích lãnh thổ Nga, xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và Điện Kremlin hoàn toàn có thể ra lệnh tấn công Mỹ hay một thành viên NATO nào đó.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thậm chí còn tuyên bố căn cứ phòng thủ tên lửa mà Mỹ vừa khánh thành ở thị trấn Redzikowo, miền bắc Ba Lan, là một "mục tiêu ưu tiên".

Giới quan sát cho rằng kịch bản này có thể đẩy xung đột Ukraine từ cuộc chiến giữa hai quốc gia thành chiến tranh hạt nhân hủy diệt giữa các siêu cường.

Theo đánh giá từ một số nhà phân tích quân sự phương Tây, Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lý thuyết dưới 5.500 km. Tầm bắn này đủ để vươn tới châu Âu khi được phóng ở phía tây nam Nga, nhưng không đủ sức vươn tới Mỹ.

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác nhận tên lửa Nga phóng là loại tên lửa tầm trung mới, được thử nghiệm dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh.

"Đây là loại vũ khí mới được triển khai trên chiến trường, vì vậy điều đó chắc chắn đáng lo ngại", Singh nói, lưu ý tên lửa có thể mang đầu đạn thông thường và cả đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, tên lửa Nga phóng vào nhà máy ở Dnipro chỉ mang đầu đạn thông thường.

Tổng thống Putin thường xuyên sử dụng những cảnh báo về vũ khí hạt nhân như cách để răn đe phương Tây. Nhưng việc phóng một tên lửa tầm trung như Oreshnik nhằm vào Ukraine đã đẩy căng thẳng leo thang thêm một cấp độ nữa, giới quan sát nhận định.

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 và các đồng minh phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí cùng những hỗ trợ khác cho Kiev sau đó, cả Nga và phương Tây đều nỗ lực tránh một cuộc đối đầu trực tiếp mà tất cả các bên đều đồng tình rằng có nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự thảm khốc, có thể là Thế chiến III.

Nhưng khi chiến sự sắp bước sang năm thứ ba, các rào cản ngăn chặn một cuộc đối đầu như vậy đang bị lung lay hơn bao giờ hết.

"Đây rõ ràng là một động thái leo thang", Tatiana Stanovaya, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Nga và Á - Âu, bình luận. "Tôi thực sự tin rằng tình hình đang rất nguy hiểm".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi cuộc tập kích tên lửa vào Dnipro là "bằng chứng nữa cho thấy Nga không muốn hòa bình", trong khi Điện Kremlin cáo buộc Kiev và phương Tây "cố tình tìm cách kéo dài chiến sự".

Hầu như toàn bộ mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí thông thường mà Moskva thường xuyên triển khai xuyên suốt cuộc xung đột. Nhưng lần này, Nga lại quyết định phóng một tên lửa tầm xa hơn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, điều được giới quan sát đánh giá là "rất đáng chú ý".

Theo Fabian Rene Hoffmann, chuyên gia về vũ khí tại Đại học Oslo, Na Uy, "điều Nga muốn nói ngày hôm nay là 'hãy nhìn xem, cuộc tấn công đêm qua không mang theo đầu đạn hạt nhân, nhưng nếu đối phương tiếp tục thực hiện những gì đang làm, cuộc tấn công tiếp theo có thể sẽ khác'".

Đồng tình với nhận định trên, một chuyên gia quân sự Mỹ giấu tên đánh giá lý do thực sự cho việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung là nhằm khuếch đại tâm lý "bên bờ vực chiến tranh hạt nhân", qua đó gieo rắc nỗi sợ hãi với Ukraine và đồng minh.

Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng việc Nga phóng tên lửa mới có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh nó diễn ra sau khi Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân mà nhiều người cho rằng đã hạ thấp ngưỡng kích hoạt loại vũ khí này.

Ông cho biết đây chính là lời nhắc nhở rằng Nga có kho vũ khí hạt nhân rất lớn với nhiều loại tên lửa khác nhau và sẵn sàng phát triển thêm.

Karolina Hird, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Washington, cho biết động cơ của Nga cho vụ phóng không chỉ giới hạn ở kết quả trên chiến trường. "Nó còn nhằm đạt được hiệu ứng thông tin để tác động đến những người ra quyết định ở phương Tây và Ukraine", bà nói.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết theo quy trình, Nga không bắt buộc phải báo trước cho phía Mỹ về vụ phóng tên lửa vì Oreshnik không phải tên lửa xuyên lục địa. Tuy nhiên, Nga đã gửi một thông báo theo cơ chế tự động tới Mỹ 30 phút trước khi tên lửa khai hỏa, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông cho biết.

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận họ đã nhận được cảnh báo đó.

Theo Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, mặc dù các tên lửa khác Nga từng phóng vào Ukraine cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân, như Iskander hay Kh-101, điều khiến tên lửa tầm trung mới này gây báo động, ngoài tầm bắn, là khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân khi hồi quyển.

Nó khiến việc đánh chặn chúng trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là gần như bất khả thi. Tên lửa cũng lớn và có thể bay xa, cao và nhanh hơn, đạt đến tốc độ siêu vượt âm.

Vị trí thành phố Dnipro. Đồ họa: RYV
Vị trí thành phố Dnipro. Đồ họa: RYV

Nó là "lời cảnh báo hạt nhân đối với cả Ukraine và châu Âu", Karako nhấn mạnh. "Đó là một tín hiệu khá sắc bén".

Nhưng theo Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, trụ sở tại Mỹ, do Nga thường xuyên sử dụng các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khác để tấn công Ukraine, việc họ phóng tên lửa mới này không nên bị cường điệu hóa.

"Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng đã bước vào một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn nhiều của cuộc giao tranh, trong đó hai bên dường như đều tin rằng họ cần phải leo thang hơn nữa", ông lưu ý.

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.