Tên lửa tầm xa của Mỹ có thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine?

Chính quyền Tổng thống Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa (ATACMS) tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Liệu động thái này có tác động đến diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine?

Trong một bước ngoặt quan trọng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17/11 đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa (ATACMS) do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Động thái này của Mỹ chắc chắn tác động đến diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng mức độ ảnh hưởng thì khó dự đoán.

Tên lửa ATACMS của Mỹ khai hỏa tại thao trường ở bang New Mexico năm 2021. Ảnh: US Army

Tên lửa ATACMS của Mỹ khai hỏa tại thao trường ở bang New Mexico năm 2021. Ảnh: US Army

ATACMS (Army Tactical Missile Systems) là hệ thống tên lửa tầm xa, có nhiều phiên bản khác nhau, thường mang theo đầu đạn chứa bom chùm hoặc đầu đạn nổ mạnh. Ukraine lần đầu tiên sử dụng loại vũ khí này vào tháng 10-2023. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ATACMS đã "chứng minh được sức mạnh" trên chiến trường.

Quyết định được đưa ra chỉ hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Quyết định này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng tại Washington và Kiev sau khi quân đội nước thứ 3 tham gia xung đột, được cho là tập trung tại tỉnh Kursk của Nga, đã khiến Mỹ quyết định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trước đó, tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cho phép sử dụng các loại vũ khí hiện đại để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Quyết định của Nhà Trắng cũng được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đối diện khó khăn tứ bề trên cả chiến trường và chính trường. Trên chính trường, việc ông Donald Trump sắp quay lại Nhà Trắng khiến giới quan sát lo ngại ông Trump sẽ tìm cách thúc đẩy việc kết thúc cuộc chiến Nga - Ukraine bằng thương lượng mà không thật sự có lợi cho Kiev. Trên chiến trường, Ukraine hiện đang ở thế bất lợi rõ ràng, bị áp đảo về quân số và không thể phá vỡ các tuyến tiếp tế của Nga, phá hủy các căn cứ không quân và nhắm vào các khu vực tập kết quân đội phía sau tiền tuyến của Nga.

Cũng có những dấu hiệu rõ ràng về nguy cơ rất thực tế là các tuyến phòng thủ của Ukraine đang sụp đổ, cả ở khu vực Donbass ở miền Đông và xung quanh tỉnh Kharkiv ở phía đông Bắc. Nếu Nga thành công trong việc đẩy lùi lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk sẽ làm tăng nguy cơ mở một mặt trận khác trên lãnh thổ Ukraine. Quân đội và thiết bị của Nga được triển khai tại tỉnh Kursk có thể chỉ được sử dụng để tiến sâu hơn vào Ukraine sau khi lực lượng Ukraine bị đẩy ra khỏi lãnh thổ Nga. Điều này không chỉ tước đi của Kiev con bài mặc cả duy nhất trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Moscow mà còn mang lại lợi thế cho Điện Kremlin đối với Ukraine và các đồng minh của nước này là Mỹ và châu Âu.

Bối cảnh trên khiến không ít bên lo ngại liệu việc cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Nga có thật sự thay đổi được cục diện chiến trường. CNN đánh giá đây là vấn đề phức tạp, rủi ro cao nhưng thành quả không được đảm bảo. Không thể phủ nhận quyết định trên đặt vào tay Ukraine một công cụ lợi hại để vô hiệu hóa các mục tiêu quân sự Nga. Tuy nhiên số lượng tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine có thể sử dụng lại rất hạn chế do Mỹ cũng đang gặp khó trong việc sản xuất vũ khí này.

Do đó nhiều khả năng dòng tên lửa trên sẽ phải được dùng dè xẻn và khó có thể mang lại sự chuyển biến tức thì trên chiến trường. Có thể nói, quyết định nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng ATACMS sẽ không phải là bước ngoặt thay đổi cục diện xung đột trên chiến trường. Rất có thể, động thái này chỉ là tạm thời. Điều tốt nhất có thể hy vọng là Ukraine sẽ có thể ổn định các tiền tuyến hiện tại và tránh mất thêm lãnh thổ cho đến ít nhất là ngày 20-1-2025 khi ông Trump nhậm chức.

CADN

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.