Lý do tổng thống Mỹ chỉ được đảm nhận hai nhiệm kỳ

Tổng thống Mỹ từ sau năm 1945 không được phép đương chức quá hai nhiệm kỳ, theo quy định trong Tu chính án thứ 22 của Hiến pháp Mỹ.

Trong cuộc gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở khách sạn tại thủ đô Washington ngày 13/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gợi ý có thể chấp nhận tranh cử nhiệm kỳ ba nếu các nghị sĩ Cộng hòa muốn ông làm vậy.

"Tôi nghĩ rằng mình sẽ không tái tranh cử trừ khi các bạn nói rằng 'ngài ấy tài giỏi quá, chúng ta phải tìm cách nào đó'", ông Trump nói.

Ông Trump hôm 6/11 đánh bại Phó tổng thống Kamala Harris và dự kiến nhậm chức tháng 1/2025, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47. Đây là lần tranh cử thứ ba của ông Trump và chiến thắng lần này biến ông thành tổng thống Mỹ đầu tiên nắm giữ hai nhiệm kỳ không liên tục trong hơn 100 năm qua.

Do đã nắm giữ hai nhiệm kỳ, dù không liên tiếp, ông Trump không thể tiếp tục tranh cử, theo quy định bởi Tu chính án thứ 22 trong Hiến pháp Mỹ.

"Không người nào được giữ vị trí Tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Người đã giữ vị trí tổng thống hoặc quyền tổng thống hơn hai năm trong nhiệm kỳ của người khác không được giữ vị trí tổng thống quá một nhiệm kỳ", Khoản 1 trong Tu chính án thứ 22 viết.

Tòa nhà quốc hội Mỹ tại Washington ngày 5/11. Ảnh: AP
Tòa nhà quốc hội Mỹ tại Washington ngày 5/11. Ảnh: AP

Hiến pháp Mỹ ban đầu không giới hạn số nhiệm kỳ của tổng thống. George Washington là người đầu tiên thiết lập tiền lệ hai nhiệm kỳ. Trong bài phát biểu trước khi kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 1797, ông tuyên bố sẽ không tranh cử tiếp và muốn nghỉ hưu tại điền trang Mount Vernon.

"George Washington khi đó được ủng hộ nhiều đến mức ông ấy có thể làm tổng thống đến bất cứ khi nào ông ấy muốn", Barbara Perry, phụ trách nghiên cứu về tổng thống Mỹ tại Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, nói.

Quyết định của Washington được cho là tránh để Mỹ rơi vào kiểu quyền lực chuyên chế như khi bị Anh đô hộ. Washington nói ông có thể tranh cử lần ba nếu cần thiết.

Tổng thống Mỹ thứ hai là John Adams chỉ phục vụ một nhiệm kỳ. Thomas Jefferson, người kế nhiệm Adams, từ chối nhiệm kỳ thứ ba vì cho rằng đương chức lâu hơn có thể dẫn đến lạm quyền.

Hai nhiệm kỳ lúc này trở thành quy định bất thành văn trên chính trường Mỹ. Trong giai đoạn trước năm 1940, chỉ có 4 tổng thống Mỹ muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ ba theo các cách khác nhau nhưng đều thất bại, gồm Ulysses Grant, Grover Cleveland, Woodrow Wilson và Theodore Roosevelt.

Truyền thống hai nhiệm kỳ bị phá vỡ dưới thời Franklin D. Roosevelt. Ông đắc cử 4 lần vào năm 1932, 1936, 1940 và 1944, đương chức 12 năm và qua đời tháng 4/1945, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức lần 4. Nước Mỹ khi đó đang trong thời kỳ Đại Suy thoái và trải qua Thế chiến II. Tình hình khủng hoảng khiến phương án tổng thống nắm quyền lâu dài được ủng hộ, dù vẫn có những lo ngại về nguy cơ chuyên chế.

Michael Korzi, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Towson, cho biết ông Roosevelt có vấn đề sức khỏe từ cuối nhiệm kỳ ba và không thể làm việc quá 4 giờ một ngày. "Những người thường xuyên tiếp xúc với Roosevelt ở Washington đều hoài nghi khả năng ông có thể đương nhiệm nhiệm kỳ 4. Nhưng Roosevelt vẫn quyết tranh cử", Korzi viết.

Sau khi ông Roosevelt qua đời, quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 22 vào năm 1947, giới hạn mỗi tổng thống không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Tu chính án thứ 22 hội đủ sự ủng hộ cần thiết từ nghị viện các bang và có hiệu lực từ năm 1951.

Tu chính án thứ 22 bị một số tổng thống Mỹ chỉ trích và tìm cách đảo ngược. Sau khi rời nhiệm sở, ông Harry Truman mô tả Tu chính án thứ 22 là "tồi tệ, ngớ ngẩn". Vài ngày trước khi mãn nhiệm tháng 1/1989, ông Ronald Reagan tuyên bố thúc đẩy xóa bỏ Tu chính án thứ 22 vì nó "vi phạm quyền dân chủ của người dân".

Ông Bill Clinton năm 2000 cho rằng Tu chính án thứ 22 nên được sửa đổi, cho phép tổng thống có nhiều nhiệm kỳ không liên tiếp, do tuổi thọ trung bình ngày càng cao hơn.

Ông Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở bang New Jersey ngày 15/8. Ảnh: AP
Ông Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở bang New Jersey ngày 15/8. Ảnh: AP

Ông Trump cũng từng đưa ra các tuyên bố không rõ ràng liên quan giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Khi trả lời tạp chí TIME hồi tháng 4, ông Trump bày tỏ ý định "phục vụ đất nước 4 năm, làm tốt công việc" và "sẽ không ủng hộ gia hạn nhiệm kỳ".

Tuy nhiên, khi phát biểu tại sự kiện của Hiệp hội Súng Quốc gia vào tháng 5, ông Trump lại đề cập ý tưởng về nhiệm kỳ thứ ba nếu đắc cử. "Các bạn biết đấy, Franklin D. Roosevelt 16 năm, gần 16 năm, ông ấy có nhiệm kỳ thứ tư. Tôi không biết chúng ta có nên cân nhắc nhiệm kỳ thứ ba? Hay chỉ hai nhiệm kỳ?", ông đùa.

Theo giới chuyên gia, đảo ngược Tu chính án thứ 22 là điều cực kỳ khó. Quy trình này sẽ đòi hỏi thông qua một Tu chính án mới, cần ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ tại cả Hạ viện và Thượng viện hoặc do nghị viện 34 bang họp đề xuất. Tu chính án mới cũng cần được ít nhất 38 bang thông qua để có hiệu lực.

Về lý thuyết, Tu chính án thứ 22 không cấm một cựu tổng thống từng nắm quyền hai nhiệm kỳ tiếp tục giữ vị trí phó tổng thống trong chính quyền kế nhiệm. Phó tổng thống có thể lên nắm quyền trong trường hợp tổng thống đương nhiệm từ chức.

Khi được hỏi có lỗ hổng pháp lý để ông Trump có thể tranh cử nhiệm kỳ ba hay không, giáo sư Michael McConnell, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Stanford của Mỹ, đưa ra câu trả lời quả quyết.

"Không. Không có. Đây sẽ là lần cuối cùng ông ấy tranh cử tổng thống", McConnell nói với Vox, cho rằng kịch bản "phó tổng thống" sẽ không xảy ra và gọi đây là "điều ngớ ngẩn không đáng lo".

vnexpress.net

Đọc thêm

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Thủ đô của Mỹ đang trải qua không khí bình lặng nhưng đầy căng thẳng với các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm phòng ngừa bạo loạn trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Những ký ức từ cuộc bạo loạn tại toà nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021 vẫn ám ảnh người dân, khiến nhiều cư dân chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. 
Bà Vanga dự đoán về vận mệnh thế giới năm 2025 như thế nào?

Bà Vanga dự đoán về vận mệnh thế giới năm 2025 như thế nào?

Khả năng tiên tri của bà Vanga vẫn chưa được giải mã, nhiều người tin rằng bà có khả năng nhìn thấu mọi sự kiện tương lai. Khả năng tiên đoán của bà Vanga đã trở thành chủ đề gây tò mò và tranh cãi, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ diễn ra hôm nay, với khoảng 170 triệu cử tri sẽ lựa chọn giữa ông Trump và bà Harris.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên cân bằng ngay sát Ngày Bầu cử

Cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên cân bằng ngay sát Ngày Bầu cử

Kết quả của cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trên toàn quốc về chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 được kênh truyền hình NBC News công bố ngày 3/11 cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ và ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đều nhận được 49% sự ủng hộ từ cử tri đã đăng ký.