Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự. |
Trong phiên làm việc chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đánh giá về các chỉ số và việc triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung làm rõ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề còn tồn tại khiến một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp như: chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động tăng; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương, đơn vị còn chậm; kết quả hỗ trợ lãi suất nhằm phục hồi phát triển kinh tế cho khách hàng còn hạn chế...
Theo đánh giá, ngoài yếu tố khách quan do khó khăn chung của nền kinh tế, vướng mắc liên quan đến quy định thủ tục đầu tư, đất đai chậm được tháo gỡ... thì những yếu tố chủ quan do công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu chủ động, thiếu quyết liệt đã nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong phát triển.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn báo cáo một số nội dung liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Các đại biểu cũng báo cáo tình hình và đề xuất phương án xử lý trụ sở các đơn vị hành chính dôi dư; công tác quản lý vật liệu; giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước, triển khai chuyển đổi số; tháo gỡ khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cho các dự án trọng điểm...
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt: Đề nghị các địa phương quan tâm công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; chuẩn bị cho thu hoạch lúa vụ xuân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Đề nghị các địa phương tập trung chất lượng trong hoạt động xây dựng NTM, đánh giá sản phẩm OCOP thực chất; chú trọng công tác phòng chống cháy rừng; Sở TN&MT và Sở Xây dựng rà soát, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp kịp thời, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án. |
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh, 4 tháng đầu năm, mặc dù thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh khó khăn nhưng Hà Tĩnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH trong tháng 5 và cả năm 2023. Trong đó, tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tập trung cho nhiệm vụ chuyển đổi số; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bám sát tình hình và đôn đốc hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; tập trung xử lý các vấn đề vướng mắc tồn đọng.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các mỏ vật liệu, đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công công trình, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam; dồn lực hỗ trợ các xã, huyện chưa đạt chuẩn NTM, phấn đấu trong năm đưa huyện Kỳ Anh và Hương Khê hoàn thành các tiêu chí huyện NTM; tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh.
Trước mắt, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các nội dung cho công tác đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu KT-XH, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh, Kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 18.800 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng giảm 0,83% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu ngân sách đến ngày 5/5 đạt 6.139 tỷ đồng, đạt 32% dự toán và bằng 88% cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đến ngày 30/4 đạt 1.192/8.425 tỷ đồng, bằng 14,7% kế hoạch. Trong 4 tháng có 402 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 13%); 160 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 21%); 327 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 37%); 80 doanh nghiệp giải thể (tăng 57%). |