Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

(Baohatinh.vn) - Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn người Chứt ở bản Rào Tre (Hương Liên - Hương Khê) được những người lính ở Đồn Biên phòng Bản Giàng (BĐBP Hà Tĩnh) nhận làm con đang được nuôi dạy chu đáo, chăm lo đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thực hiện chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, từ tháng 8/2019 đến nay, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Hương Khê) đã nhận nuôi 4 em học sinh người đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên làm con nuôi. Hiện nay, các em Hồ Tiến Kiệm (SN 2006), Hồ Huyền Trang (SN 2009), Hồ Viết Hoàng (SN 2008), Hồ Thị Hằng (SN 2008) đều đã khá khôn lớn, chăm ngoan, đang theo học lớp 8, lớp 9 ở Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh.

Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre phát đồ dùng học tập cho các con nuôi người dân tộc Chứt.

Em Hồ Tiến Kiệm – lớp 9A, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cảm động: “Bố mất sớm, mẹ hết đi rừng lại về làm rẫy để mưu sinh và nuôi 2 anh em, cuộc sống rất khó khăn, nhà từ xưa đến nay đều thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, nếu không có các bố biên phòng nuôi thì chắc chắn em sẽ không được đi học. Được đến trường cùng bạn bè trang lứa, được ăn no, mặc đẹp, chưa phải lao động nặng nhọc bằng chân tay..., chúng em biết ơn các bố và các thầy cô giáo rất nhiều. Em hứa sẽ tập trung học hành, nghe lời dạy bảo của người lớn để sau này trở thành một công dân tiến bộ, thực hiện mơ ước được trở thành người lính biên phòng để trở về cống hiến cho bản làng, cho công cuộc bảo vệ biên giới”.

Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

Ngoài thời gian ở trường, các em được ăn ở, học tập, sinh hoạt trong đơn vị bộ đội.

Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” cũng là “cứu cánh” cho nữ sinh Hồ Thị Hằng trên hành trình tiếp bước chân trời tri thức. Gia đình em Hằng là hộ nghèo, có 5 người, bản thân bị khuyết tật vận động bẩm sinh nên mọi thứ dường như đều khó khăn hơn với em. May mắn, Hằng đã được Đồn Biên phòng Bản Giàng nhận làm con nuôi, chăm lo cho mọi thứ để em được đến trường như bao bạn khác. Em cùng 3 bạn khác sẽ được nuôi dạy, chăm lo cho toàn bộ đến lúc trưởng thành.

Em Hồ Thị Hằng tâm sự: “Bọn em rất vui và tự hào vì ngoài bố mẹ đẻ thì chúng em còn được các bố biên phòng chăm lo, nuôi dưỡng. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng khi làm con của các bố, chúng em được ăn ngon, mặc đẹp, học hành đầy đủ hơn so với các bạn khác trong bản, trong lớp. Ngoài ra, chúng em còn được các bố bày dạy về tác phong sinh hoạt, cử chỉ, nói năng chuẩn chỉ như những quân nhân. Để đáp lại tình cảm của các bố, bọn em phải cố gắng nhiều hơn để ngoan, giỏi hơn các bạn khác”.

Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

Hình thành nếp sống ngăn nắp, gọn gàng, nhanh nhẹn, trách nhiệm... như những người lính.

Đồng hành với các em học sinh người dân tộc Chứt có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học, những người lính đeo quân hàm xanh ở miền biên viễn Hương Khê đã tình nguyện góp lương, trích quỹ tăng gia để thực hiện tốt mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Mọi chi phí sinh hoạt, học tập của các em đều được BĐBP Bản Giàng chu cấp đầy đủ, kịp thời.

Ngoài phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương, dân bản để tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất thì Đồn Biên phòng Bản Giàng cũng đã bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập phù hợp và phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp, hướng dẫn các em ngay tại đồn.

Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hình thành cho các em thói quen yêu lao động.

Anh Hồ Hà (phụ huynh em Hồ Thị Hằng) cảm động nói: “Cảm ơn BĐBP Bản Giàng đã tạo mọi điều kiện để chăm lo, nuôi dạy con cái của chúng tôi như chính con cái của các anh. Ngoài đón nhận tình thương, trách nhiệm thì ở trong đơn vị biên phòng các con chúng tôi còn được chăm lo về vật chất đầy đủ hơn ở nhà. Chúng tôi rất tin tưởng khi giao con cho BĐBP nuôi dạy với mong muốn các cháu sau này sẽ nên người, trở thành những người tiến bộ, có ích cho xã hội”.

Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

Quân y Đồn Biên phòng Bản Giàng luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe, kiểm tra thể trạng cho những đứa con nuôi.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) chia sẻ: “Chúng tôi bố trí phòng ở riêng cho các con ngay tại trạm biên phòng để có điều kiện chăm sóc, giáo dục các con. Các con cũng được chu cấp đầy đủ về quân áo, đồ dùng học tập, xe cộ, ăn uống... hằng ngày, hằng tuần. Vì điểm xuất phát thấp nên chúng tôi phải cẩn thận bày dạy cho các con đủ mọi điều, dù là cơ bản nhất, nhỏ nhặt nhất như: đi lại đảm bảo an toàn, cắt tóc gọn gàng, quần áo phải sạch sẽ, sinh hoạt ngăn nắp, chăm chỉ lao động; ở trường phải nghe lời thầy cô, chăm chỉ học tập, không được trốn học ra ngoài trường chơi bời; sống có trách nhiệm với bản làng, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, luôn nêu cao tinh thần bảo vệ biên giới...”

Chuyện những đứa con dân tộc Chứt của chiến sĩ biên phòng Bản Giàng

Những người bố nuôi đầy trách nhiệm nhắc nhở, dặn dò chu đáo mỗi khi các con lên đường đến trường.

Ông Đặng Bá Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết: “Để nuôi dạy các con nuôi người dân tộc Chứt của Đồn Biên phòng Bản Giàng, giữa nhà trường và đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ phối hợp, trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, kiểm soát mọi vấn đề. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp tốt trong việc vận động các em đến trường tham gia học tập, đến lớp đúng thời gian sau các kỳ nghỉ, ngày nghỉ, lễ tết; tăng cường gặp gỡ, trao đổi để nâng cao chất lượng giáo dục tư cách đạo đức, kiến thức, kỹ năng sống. Cùng đó là tạo mọi điều kiện tối đa về nơi ở, học hành, tổ chức phụ đạo thêm kiến thức, tăng cường giám sát các em trong thời gian sinh họat nội trú, khuyến khích các em hòa nhập tốt với môi trường xung quanh, sống có trách nhiệm với cộng đồng”.

Chủ đề Vì chủ quyền An ninh biên giới

Đọc thêm

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.