Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên sau khi đảm nhiệm cương vị mới thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo.
Trong hơn 70 năm qua (18/1/1950 - 18/1/2024), quan hệ Việt Nam - Trung Quốc “lúc thăng, lúc trầm” nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính. Tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thời gian qua, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển với những kết quả tích cực. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai. Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Các cấp, ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm (2008 - 2023) hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương. Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc. Sau 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện. Quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; phát triển ngày càng thực chất, vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Qua chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân (năm 2023), hai bên tăng cường tình cảm, sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, góp phần tích cực vào việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” (tháng 12/2023), quan hệ Việt - Trung tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực.
Về chính trị, tin cậy chính trị được củng cố, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra hết sức mật thiết. Hai bên đang trao đổi, xác định một số cơ chế đối thoại mới. Trung Quốc thể hiện sự trân trọng đặc biệt với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng tại Đại sứ quán ta; cử đại diện đặc biệt là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh sang dự Lễ Quốc tang.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục có nhiều khởi sắc. Thương mại 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24,1%. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới. Lượng du khách Trung Quốc 6 tháng đầu năm đã vượt tổng số năm 2023. Hợp tác về giáo dục cũng tăng mạnh. Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Hai bên cũng đang thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác mới về hạ tầng, tiện lợi hóa thương mại.
Năm 2024 đánh dấu 25 năm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Việc ký kết Hiệp ước đã giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới trên đất liền hai nước về mặt pháp luật, thể hiện ý chí và quyết tâm kiên định mà hai bên nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Sự kiện này trở thành một hình mẫu thành công mà hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết vấn đề biên giới, tăng cường mạnh mẽ niềm tin của hai bên về đối thoại, giải quyết tốt bất đồng đối với vấn đề biên giới và trên biển khác. Hai bên đã thực hiện tốt Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, nhân dân ở biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, sống chung hài hòa, gắn bó như anh em một nhà. Khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã trở thành khu vực biên giới hòa bình, ổn định, giao lưu thương mại, đi lại sôi nổi.
Cùng với đó, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết: “Qua chuyến thăm, chúng ta mong muốn cùng với Trung Quốc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao, đặc biệt là những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm 2023, theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Tuyên bố chung của chuyến thăm đã đề ra phương hướng “6 hơn””.
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, trong khuôn khổ chuyến thăm, chúng ta sẽ trao đổi về các vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác với đối tác vừa là láng giềng, vừa là một nước xã hội chủ nghĩa và cũng là một nước lớn; qua đó, củng cố môi trường đối ngoại và vị thế đối ngoại thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và triển khai công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Nhấn mạnh hai bên đều rất mong đợi chuyến thăm và kỳ vọng sẽ đạt được những thành quả trên một số phương diện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng, với sự coi trọng đặc biệt và phối hợp chặt chẽ của cả hai bên, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ thành công tốt đẹp, trở thành một mốc son mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Qua chuyến thăm lần này khẳng định, Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược; đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; tiếp tục xác định nền ngoại giao toàn diện, hiện đại gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu