Đường quốc gia ven biển - Con đường kết nối khát vọng thịnh vượng
Đường quốc gia ven biển bắt đầu từ cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc, xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh tới cửa khẩu Hà Tiên, Kiên Giang với chiều dài khoảng 3.041 km, đi qua tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam.
Đây là tuyến đường bộ sát biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Việc hoàn thiện các tuyến đường ven biển tạo nên một bức tranh đẹp về hạ tầng, là cú hích phát triển kinh tế địa phương; góp phần làm “thay da đổi thịt” khu vực. Trong đó, một trong những lĩnh vực ghi nhận tác động nhanh và rõ rệt nhất là bất động sản, đặc biệt tại những địa phương đang phát triển như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên…
Đơn cử, tại khu vực miền Trung, tuyến đường ven biển Võ Chí Công (tỉnh Quảng Nam) hoàn thành, đưa vào khai thác, không chỉ TP Hội An hình thành loạt dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, mà địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ cũng liên tục hút các nhà đầu tư lớn xây dựng khu nghỉ dưỡng, giải trí. Tuyến đường còn tạo động lực, thu hút đầu tư, hình thành các dự án về khu dân cư, khu công nghiệp và khu du lịch cao cấp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Tại Hà Tĩnh, tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2021 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng với tổng chiều dài 67,88km đi qua 5 huyện, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh, gồm: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Đây là một trong những tuyến giao thông “xương sống”, có ý nghĩa quan trọng “kết nối tất cả các khu du lịch ven biển với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn” theo ông Trần Văn Tùng, Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết. Từ khi có đường ven biển, các huyện, thị xã cũng đã quy hoạch nhiều khu dân cư, khu đô thị, mở ra một bức tranh hạ tầng khang trang dọc tuyến đường ven biển này.
Khơi mở tiềm năng cho địa phương “cất cánh”
Trong tương lai, khi tất cả địa phương trong vùng Bắc miền Trung hoàn thành tuyến đường ven biển sẽ giúp kết nối các khu kinh tế trọng điểm, gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An); Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình); Khu kinh tế Đông Nam (Quảng Trị); Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) thành chuỗi các khu kinh tế có sự gắn bó nhằm phát huy thế mạnh khu vực.
Tuyến đường bộ ven biển cũng sẽ mở ra không gian phát triển với những ngành kinh tế biển như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển, khu đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tiềm năng du lịch biển, năng lượng sạch ở khu vực này đang còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác triệt để.
Đường ven biển hình thành sẽ tạo thành những khu vực phát triển sầm uất hai bên tuyến đường để phục vụ cư dân, khách du lịch, tạo bước đà vươn lên mạnh mẽ cho bất động sản của các tỉnh ven biển. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, “hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn đối với bất kỳ thị trường bất động sản nào”. Thực tế, từ khi con đường này được xây dựng, giá bất động sản, đặc biệt là quỹ đất hai bên đường tại khu vực này có nhiều cơn “sốt”.
Vùng đất ven biển hiện nay được nhiều người ví "vùng đất 5 sao". Con đường ven biển nối dài 28 tỉnh được gọi là "con đường triệu USD" với hàng loạt dự án resort, khách sạn 5 sao đẳng cấp mọc lên dọc bờ biển tô điểm thêm cho "mặt tiền" địa phương.
Diện mạo địa phương dọc theo đường quốc gia ven biển giờ đây đang thay đổi từng ngày, như đang "khoác" lên mình một chiếc áo rực rỡ đầy sức hút. Những cung đường ven biển sẽ tiếp tục là động lực, tạo bước đà cho các địa phương phát triển bứt phá.