Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắn vào ngực

Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắn vào ngực khi đang phát biểu ở tỉnh Nara hôm nay và đang được cấp cứu tại bệnh viện.

“Cựu thủ tướng Abe bị bắn ở Nara vào khoảng 11h30 (9h30 giờ Hà Nội). Một người đàn ông, nghi là tay súng, đã bị bắt. Hiện chưa rõ tình trạng của cựu thủ tướng”, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói với phóng viên.

“Dù vì bất cứ lý do gì, hành động man rợ như vậy không bao giờ có thể được dung thứ và chúng tôi cực lực lên án”, ông Matsuno nhấn mạnh.

Theo các nhân chứng, cựu thủ tướng Abe, 67 tuổi, bị bắn từ phía sau khi đang phát biểu vận động trên đường phố thành phố Nara, tỉnh Nara, miền tây nước này. Nghi phạm được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, trong khi hung khí được cho là một khẩu súng săn.

“Ông ấy đang phát biểu thì một người đàn ông tiến đến từ phía sau”, một cô gái có mặt tại hiện trường nói. “Phát đầu tiên nghe như tiếng súng đồ chơi. Ông Abe không ngã và có tiếng nổ lớn. Phát thứ hai rõ ràng hơn, có thể thấy tia lửa và khói. Sau phát súng thứ hai, mọi người vây quanh ông và xoa bóp tim cho ông”.

Các phóng viên tại hiện trường cũng khẳng định đã nghe thấy âm thanh giống tiếng súng. Đài NHK dẫn các nguồn tin cho biết ông Abe bị thương, chảy máu sau khi trúng đạn vào ngực và được đưa lên trực thăng tới bệnh viện Đại học Y Nara gần đó. Trong khi đó, một nguồn tin từ đảng cầm quyền nói rằng ông bị chảy máu từ cổ và đã bất tỉnh.

Lực lượng cứu hoả địa phương nói rằng ông Abe không có dấu hiệu sự sống khi đang được di chuyển bằng trực thăng tới bệnh viện.

“Một sở cứu hỏa địa phương cho biết cựu thủ tướng Abe dường như đang trong tình trạng ngừng tim”, đài NHK cho hay, đề cập thuật ngữ được sử dụng ở Nhật Bản để chỉ người có nguy cơ tử vong trước khi bác sĩ xác nhận.

Trong khi đó, nguồn tin cảnh sát nói rằng cựu thủ tướng tỉnh lại và có phản ứng trên đường được đưa tới bệnh viện. Quan chức bệnh viện từ chối bình luận về tình trạng của ông.

Hiện chưa có xác nhận lập tức từ cảnh sát hoặc quan chức sở cứu hỏa. Vợ của ông Abe là bà Akie đã biết tin khi đang ở nhà riêng và được đưa tới bệnh viện, nơi ông đang được cấp cứu.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắn vào ngực

Ông Abe ngã quỵ và chảy máu sau khi bị tấn công. Ảnh: Asahi.

Ông Abe, thuộc đảng Dân chủ Tự do, tới thành phố Nara để vận động cho đảng trước cuộc bầu cử thượng viện diễn ra ngày 10/7. Khoảng 30 người đang có mặt tại buổi phát biểu của ông Abe khi vụ tấn công xảy ra.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết ông “rất buồn và bị sốc”. “Tất cả chúng tôi đều đau buồn và bàng hoàng trước vụ nổ súng nhằm vào cựu thủ tướng Abe Shinzo. Ông Abe là lãnh đạo xuất sắc của Nhật Bản và là đồng minh vững chắc của Mỹ. Chính phủ và người dân Mỹ đang cầu nguyện cho ông được bình an, cũng như cầu nguyện cho gia đình ông và người dân Nhật Bản”, đại sứ Mỹ cho hay.

Cựu thủ tướng Abe, lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật, đắc cử năm 2006 nhưng phải từ chức vào tháng 9/2007 vì viêm loét đại tràng mạn tính. Ông tiếp tục tranh cử và trở thành thủ tướng từ năm 2012 cho đến khi từ chức tháng 8/2020 vì bệnh cũ.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắn vào ngực

Ông Abe phát biểu trước đám đông ngay trước khi bị tấn công. Ảnh: Asahi.

Nhật Bản duy trì một số luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất thế giới và số người chết vì súng hàng năm ở đất nước 125 triệu dân này thường là những con số đơn lẻ.

Để có được giấy phép sử dụng súng là một quá trình lâu dài và phức tạp, ngay cả đối với công dân Nhật Bản. Trước tiên, họ phải nhận được sự giới thiệu từ một hiệp hội bắn súng và sau đó trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt của cảnh sát.

Theo Huyền Lê (VNE)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.