Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần thực hiện thí điểm lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

(Baohatinh.vn) - Góp ý về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở tại phiên thảo luận tổ sáng nay (12/11), đại diện Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị cần thực hiện thí điểm trước khi ban hành luật.

ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia góp ý tại phiên thảo luận tổ.

Đại diện Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 18, 19/ NQ-TW về chủ trương tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, một người đảm đương nhiều đầu việc để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách, thực tế, ở các xã hầu hết giảm khoảng 2 cán bộ, công chức nhưng lại tăng cường 5 công an chính quy, dẫn đến số người hưởng lương trên tổng dân số tăng.

Ngoài ra, thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP, nhiều cán bộ không chuyên trách ở cơ sở kiêm nhiệm; các lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, do đó, việc tăng cường lực lượng tham gia ANTT ở cơ sở cần được tính toán kỹ lưỡng.

Đại biểu cũng nêu vấn đề, hoạt động của lực lượng ANTT ở cơ sở theo hình thức tự nguyện nhưng kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Trong khi đó, hiện nay, Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định các tổ chức tự nguyện khác ở tại thôn, tổ dân phố như: Ban Công tác mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… lại không được hưởng phụ cấp hàng tháng mà chỉ hưởng bồi dưỡng từ đoàn phí, hội phí.

Nếu lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng chế độ sẽ dẫn đến tình trạng không tương thích về chế độ, chính sách. Theo đại biểu, các địa phương đang phải bố trí, quy hoạch trụ sở cho công an chính quy cấp xã, trong khi dôi dư trụ sở trường học, trạm y tế dẫn đến gây khó khăn cho cơ sở.

Tại buổi thảo luận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cũng tham gia thảo luận một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật này.

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị cần thực hiện thí điểm trước khi ban hành luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, với thể chế nhà nước pháp quyền “thượng tôn pháp luật”, việc tăng cường lực lượng này ở cơ sở nhằm tăng thêm sức mạnh cho chính quyền và Nhân dân nhưng phải thực hiện một cách đồng bộ trong hệ thống chính trị, bộ máy hành chính, các tổ chức, đoàn thể.

Theo đó, cần tiến hành thí điểm lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại một số địa phương, để đánh giá hiệu quả, lấy ý kiến Nhân dân, tổ chức trước khi ban hành luật.

Khẳng định việc đưa công an chính quy về cơ sở là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước nhưng đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị cần phải dựa trên tình hình ANTT ở mỗi địa bàn để phân bổ, bố trí lực lượng công an chính quy, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp.

Đại biểu cho rằng, việc này cần được quan tâm thực hiện để khẳng định địa vị pháp lý của lực lượng, phát huy sức mạnh quần chúng trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng nêu ý kiến, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoạt động theo mô hình quần chúng tự nguyện nhưng do ngân sách đảm bảo là chưa phù hợp, cần phải cân nhắc về việc quy định chi trả chế độ bảo hiểm cứng trong luật; phân loại rõ các đối tượng được hưởng phụ cấp, bồi dưỡng chính sách, thực hiện đồng bộ hóa trong hệ thống chính trị.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói