Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

(Baohatinh.vn) - Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng ở bất cứ cương vị nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân yêu nước ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).

Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Khi mới chỉ 23 tuổi (năm 1937), đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; 1 năm sau đó, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục ảnh Quốc hội, SLT 451-52

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (thứ 2 từ trái sang) ở Việt Bắc năm 1953. Ảnh: QDND.

Đồng chí quan niệm “đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cái cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”. Đồng chí từng là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy 4, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II và khóa III, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Trưởng Ban Công tác nông thôn Trung ương, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền, chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên ở tuổi 24, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, tháng 9/1938, đồng chí đã lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều. Sau cuộc đấu tranh đó, cuối năm 1938, đồng chí bị bắt lần đầu và được thả, tiếp tục hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của Nhân dân đấu tranh ngăn chặn những cuộc đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Sáng 29/12/2023, tại thành phố Huế, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với chủ đề: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”. (Ảnh Báo Pháp luật Việt Nam).

Giữa năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án khổ sai, giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Trong thời gian tù đày, dù bị tra tấn bằng nhiều cực hình dã man nhưng đồng chí luôn kiên cường, thể hiện tinh thần bất khuất, gan dạ, giữ vững khí tiết của một người cộng sản. Trên cương vị Bí thư Chi bộ trong nhà tù, đồng chí thể hiện là một chiến sĩ cộng sản kiên trung trong việc tổ chức đấu tranh chống khủng bố, chống tra tấn, chống đánh đập tù nhân, cải thiện đời sống nhà tù, đồng thời, hết sức quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho các đảng viên trong chi bộ và những người tù chính trị.

Mặc dù ba lần bị đế quốc bắt giam nhưng mỗi lần vượt ngục hay được thả, đồng chí lại trở về với cách mạng, với Nhân dân, tiếp tục hoạt động, góp phần xây dựng cơ sở đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở tỉnh Thừa Thiên thời kỳ đó.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu Bình - Trị - Thiên rồi Bí thư Liên khu ủy IV, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường Thừa Thiên. Đồng chí đã góp phần đưa ra những quyết định táo bạo có ý nghĩa chuyển hướng lãnh đạo, xoay chuyển lại tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng, đưa cuộc kháng chiến ở mặt trận Huế dần khôi phục và mở ra một cục diện mới. Nhờ đó, phong trào cách mạng Bình - Trị - Thiên đã vươn lên hòa nhập cùng với phong trào cả nước, góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược của thực dân Pháp.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên khói lửa, xứng đáng với danh hiệu “Vị tướng du kích” mà Bác Hồ trao tặng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cấy lúa cùng bà con HTX Chiến Thắng (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Hữu Thoan - TTXVN.

Ở những bước chuyển của cách mạng, với phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực lãnh đạo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao nhiều trọng trách. Nhận nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mặt trận nông nghiệp đảm bảo lương thực, thực phẩm cung cấp cho Nhân dân, góp phần xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc, bước đầu chi viện cho cách mạng miền Nam, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam, đồng chí đã góp phần xác định đúng việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phòng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người. Đồng chí luôn chăm lo, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới; tăng cường đoàn kết quân dân, củng cố khối liên minh công - nông - trí thức. Đồng chí đặc biệt coi trọng việc chỉnh đốn các tổ chức của Đảng và phát triển các đoàn thể quần chúng.

Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, đồng chí ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Ngày 6/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên ao sen ở TP Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

(Tổng hợp từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương).

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).