Đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân từ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(Baohatinh.vn) - Các địa phương tại Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong thực hiện các tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nâng cao nhận thức pháp lý cho người dân.

Sáng 4/10, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) cho 250 đại biểu là chuyên viên trực tiếp tham mưu thực hiện nhiệm vụ và công chức tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn. Tại hội nghị này, đại biểu được nghe truyền đạt các kiến thức, quy định liên quan xây dựng xã, phường, thị trấn đạt TCPL và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ.

Bắt đầu từ năm 2017, việc tổ chức tập huấn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL là hoạt động được Sở Tư pháp tổ chức thường xuyên. Những thông tin được phổ biến góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai, thực hiện tại cơ sở và là yếu tố quan trọng để đánh giá đạt chuẩn TCPL qua từng năm.

Công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) tiếp nhận hồ sơ của người dân.

Chị Nguyễn Thị Hiền - Công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Việc hấp thu các quy định tại tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn từ cấp trên được chúng tôi nghiêm túc tổ chức triển khai từ nhiều năm qua gắn với nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh. Các thông tin về chính sách pháp luật mới luôn được đăng tải đầy đủ, kịp thời; tham mưu UBND phường thực hiện tốt việc đối thoại với Nhân dân; kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải...".

Đặc biệt, việc tổ chức các câu lạc bộ (CLB) pháp luật được đơn vị xác định là một trong những cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả. Bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 đến nay, CLB "Thanh niên với pháp luật" tại phường Trần Phú đã tổ chức 59 đợt tuyên truyền cho ĐVTN, học sinh và người dân về các chính sách mới được ban hành. Qua đó, tạo điều kiện để thanh niên ở cơ sở có cơ hội học tập, tìm hiểu, nghiên cứu và nắm các quy định, hình thành ý thức thượng tôn pháp luật, ngăn ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở lứa tuổi thanh niên.

Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT Hà Tĩnh) phối hợp với Công an TP Hà Tĩnh tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các hộ kinh doanh khu vực xung quanh trường học trên địa bàn.

Ngoài phường Trần Phú, nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật khác được TP Hà Tĩnh triển khai hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao từ người dân như "Tuổi trẻ với pháp luật", "Phụ nữ với pháp luật"...

Theo đánh giá, 15/15 xã, phường tại TP Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân; tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm với hình thức phổ biến, giáo dục đa dạng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân.

Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả; tổ chức các hội nghị để Nhân dân bàn, dân biểu quyết, tham gia ý kiến, quyết định trực tiếp... Qua rà soát, 14/15 đơn vị trên địa bàn đạt chuẩn TCPL (trừ xã Thạch Trung).

Các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính tư pháp liên thông được các xã, phường niêm yết đầy đủ.

Tại huyện Nghi Xuân, việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu lại càng được chú trọng.

Trong năm 2023, UBND huyện ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật và 5.358 quyết định hành chính, 100% văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; thực hiện công khai 16.782/16.782 thông tin. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện tiếp nhận 113 vụ việc về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đã giải quyết 107/113 vụ việc; 36.406 thủ tục hành chính, giải quyết 35.518 hồ sơ...

CLB "Phụ nữ với pháp luật" thôn Thanh Văn (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) được ra mắt vào tháng 8/2024.

Đặc biệt, 3 xã Xuân Yên, Xuân Hải, Xuân Phổ hoàn thành việc cập nhật nội dung tiêu chí tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các xã đã xây dựng được mô hình điển hình về phổ biến giáo dục pháp luật như: CLB "Phụ nữ với pháp luật thôn Thống Nhất" (xã Xuân Phổ), "Phụ nữ với pháp luật thôn Dương Phòng (xã Xuân Hải), "Nông dân với pháp luật xã Xuân Yên".

Đến nay, 16/17 xã, thị trấn tại huyện Nghi Xuân đạt chuẩn TCPL. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân; đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức.

Qua tổng hợp của Sở Tư pháp, số lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL tại Hà Tĩnh tăng qua từng năm. Theo đó, năm 2021, toàn tỉnh có 207/216, năm 2022 có 209/216 và năm 2023 có 211/216 xã, phường thị trấn đạt chuẩn TCPL. Việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cơ bản bảo đảm theo quy định; gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở và chất lượng hoạt động của chính quyền cấp xã, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tự chấm điểm, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL trên địa bàn; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác tự chấm điểm (của cấp xã) và công tác thẩm tra, đánh giá (của cấp huyện) đối với chỉ tiêu, tiêu chí; chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháo luật, hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; nâng cao trách nhiệm công vụ của công chức, viên chức...".

Chủ đề Tuyền truyền phổ biến pháp luật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói