“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Được động viên, hỗ trợ vay vốn làm ăn, những người khiếm thị ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã phần nào vơi bớt thiệt thòi,cơ cực, từng bước vươn lên trong cuộc sống...

“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

Để góp phần xóa tình trạng “đói” thông tin, Hội Người mù huyện Lộc Hà vừa khâu nối với các nhà hảo tâm xin hỗ trợ 71 chiếc radio để trang bị cho hội viên (Trong ảnh: Chủ tịch Hội Người mù huyện Hồ Sỹ Phong (bên phải) trao radio cho anh Trần Xuân Tượng).

Đến thăm gia đình anh Trần Xuân Tượng (SN 1980) ở thôn Hòa Bình, xã Thịnh Lộc khi ngôi nhà mới trị giá 300 triệu đồng vừa hoàn thành, chúng tôi đã thấy phần nào nghị lực của một người “tàn nhưng không phế”. Đã 12 năm đôi mắt anh chỉ còn nhìn thấy 20% ánh sáng, cũng chừng đó năm anh phải đối mặt với bao thiệt thòi, cơ cực và cả sự mặc cảm, tự ty.

Nhưng khi được tiếp xúc với môi trường của những người cùng cảnh ngộ, được học chữ nổi, được tập huấn các kiến thức phù hợp, được trao đổi cách làm ăn… anh đã tự tin hơn trong cuộc sống, chăm chỉ làm ăn để cùng vợ nuôi 3 con ăn học, có cuộc sống khá.

“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

Dù khiếm thị, nhưng anh Tượng không để mình trở thành gánh nặng cho vợ con, hàng ngày anh đều tự tay làm những việc vặt trong gia đình

Anh Tượng kể: “Mỗi ngày lễ, ngày tết, cán bộ hội đều đến nhà động viên, thăm thỏi và trao tặng những món quà đầy tình nghĩa. Đặc biệt, cách đây gần 10 năm, khi tôi đang trong trạng thái hoang mang, chán nản, gia cảnh túng thiếu, hội đã cho vay ưu đãi 5 triệu đồng đề mua bê giống và động viên tôi cố gắng vươn lên.

Bằng nghị lực của mình, sự đồng hành của hội và bà con xóm làng giúp đỡ nên con bê giống đã sinh sản được 10 con khác, bán được hơn 100 triệu đồng. Hiện giờ, ngoài giúp đỡ vợ con việc lặt vặt trong gia đình thì ngày ngày tôi đều đi chăm sóc đàn bò 3 con để tăng thêm nguồn thu nhập”.

“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

Anh Tượng chăm sóc đàn bò để phụ vợ đỡ đần kinh tế

Tương tự, ông Phan Đình Hoa (55 tuổi) ở thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu cũng đã chứng minh cho mọi người thấy quyết tâm, nghị lực của mình khi có được điểm tựa tốt. Dù căn bệnh viêm đáy mắt đã tước đi ánh sáng lẫn ước mơ, hoài bão khi mới 17 tuổi, nhưng không thể làm vơi đi nghị lực, niềm tin cuộc sống và tình yêu lao động nơi ông.

Bị mù lòa nhiều năm nhưng ông đã không ngừng rèn luyện, học hỏi, cố gắng để không trở thành gánh nặng cho vợ con, ngược lại, ông trở thành điểm tựa đáng tin cậy trong gia đình. Dù đôi mắt không nhìn thấy nhưng hàng ngày ông vẫn đi chăn bò, chăm gà, thậm chí là nuôi lợn và làm nhiều việc khác.

“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

Ông Phan Đình Hoa (xã Thạch Châu) ngày ngày chăm sóc vườn rau xanh tốt, sai quả để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình

Ông chia sẻ: “Số tiền 25 triệu đồng Hội Người mù huyện cho vay không chỉ giúp tôi có thêm nguồn lực để làm ăn mà còn động viên, an ủi tôi rất nhiều. Cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của hội, vợ chồng tôi bảo ban nhau cùng cố gắng, trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi, làm vườn mẫu, làm nghề phụ… để có mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Vượt qua số phận thiệt thòi, nhờ lao động mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng khá, cả ba đứa con đều đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định”.

“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

Sự nỗ lực của vợ chồng ông Hoa đã mang đến cuộc sống ấm no, con cái học hành đầy đủ

Chủ tịch Hội Người mù huyện Lộc Hà Hồ Sỹ Phong chia sẻ: “Từ chỗ người mù không được học nghề, không có đồng vốn trong tay, sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, hội đã giúp mở các lớp hướng dẫn cách làm tăm, chăn nuôi, trồng trọt, xoa bóp bấm huyệt… Cùng với đó, hội còn đưa đồng vốn về hỗ trợ hội viên làm ăn và đến nay đã quay vòng số vốn 800 triệu đồng cho 56 lượt người vay.

Từ khi có nghề, có vốn, có sự sẻ chia, giúp đỡ của hội và toàn xã hội, cuộc sống, sinh kế của 410 người mù ở Lộc Hà đã được nâng lên, có nhiều người mức thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/tháng; tỷ lệ đói nghèo giảm từ 52% (năm 2010) xuống còn 30% (hiện nay), nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi, nuôi con ăn học đến đại học...”.

“Dẫn lối” cho người khiếm thị Lộc Hà

Hội Người mù huyện Lộc Hà trao quà từ Quỹ Mái ấm hướng thiện cho bà Mai Thị Chũn (83 tuổi), ở xóm Tây Thịnh, xã Hồng Lộc

Cũng theo anh Hồ Sỹ Phong, thời gian qua, hội đã vận động quyên góp được 1.661 triệu đồng, trao tặng 3.910 suất quà cho 3.910 lượt hội viên.

Ngoài ra, hội cũng đã cùng với các cấp, các ngành quan tâm, chăm sóc cho người mù, nhất là cấp 362 thẻ BHYT, chi trả trợ cấp thường xuyên cho 302 người, cấp 55 thẻ đi xe buýt miễn phí, sửa chữa 17 nhà ở, khám mắt và cấp thuốc miễn phí cho 350 lượt hội viên, mổ thay đục thủy tinh thể nhân tạo trả lại ánh sáng cho 124 người, tặng 57 suất học bổng cho các em khiếm thị và con một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn…

Chủ đề Từ thiện - nhân đạo

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.