"Đánh cược" tính mạng trên những cây cầu không an toàn ở Lộc Yên

(Baohatinh.vn) - Trở lại khu vực cầu tràn - nơi 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Sâm gặp tai nạn thương tâm trong trận lụt trung tuần tháng 7 vừa qua mới cảm nhận được nỗi lo âu của xã “rốn lũ” Lộc Yên (Hương Khê) trong mùa mưa lũ.

Cây cầu kiên cố duy nhất để gần 1.000 người dân ở 4 xóm lưu thông không còn đảm bảo an toàn; 2 cây cầu tạm khác mỗi năm phải nhiều lần gia cố chỉ để đi bộ sang sông sản xuất.

danh cuoc tinh mang tren nhung cay cau khong an toan o loc yen

Cầu bê tông kiên cố nhất của Lộc Yên cũng đang trong tình trạng móng cầu bị xói lở, dầm cầu sụt gãy; mặt cầu bị uốn võng xuống với biên độ lớn và nứt toạc nhiều điểm...

Lộc Yên nằm giữa 2 dãy núi, lại có 3 con sông (Ngàn Sâu, Rào Nại, sông Tiêm) chảy qua, chia cắt địa hình thành nhiều cụm dân cư. Bởi vậy, năm nào cũng thế, lụt to hay nhỏ, xã cũng bị ngập sâu và nước rút lâu hơn nhiều so với các nơi khác. Hạ tầng cơ sở vì vậy ngày càng xuống cấp, trong đó, cấp bách nhất là không còn cây cầu nào đảm bảo an toàn cho gần 1.000 hộ dân sống hai bên bờ sông thuộc 4 thôn (Hương Giang, Hương Yên, Hưng Bình, Yên Bình) - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Thiên cho biết.

danh cuoc tinh mang tren nhung cay cau khong an toan o loc yen

... khi nước lũ dâng lên, mặt cầu trở thành chiếc bẫy chết người đối với ai mạo hiểm qua lại.

Dọc theo con đường bê tông dài gần 8 km chạy ven bờ sông, chúng tôi tìm đến 2 chiếc cầu tạm (bằng tre và gỗ) được người dân dựng lên để đi sang sông sản xuất. Gặp ông Trần Đình Yên (thôn Hương Giang) đang lội sông thu gom những cột tre sót lại của chiếc cầu vừa bị trận lũ đầu tháng 7 cuốn trôi, ông cho biết: Chiếc cầu khỉ này năm nào người dân trong thôn cũng hè nhau ra dựng lên để sang bên kia sông (thôn Hương Yên) sản xuất. Trên chiếc cầu này, đầu vụ, nông dân gánh gồng phân, giống sang sông gieo trồng, cuối vụ lại gánh lúa, lạc, đậu về nhà. Sở dĩ bà con không thể lựa chọn phương án sử dụng cầu tràn ở khu vực thôn Hưng Bình vì chiếc cầu này đã xuống cấp nên không thể vận chuyển bằng các phương tiện cơ giới. Nếu vận chuyển bằng xe bò kéo theo cung đường này thì phải đi bộ hơn 3 km nên mất quá nhiều thời gian.

danh cuoc tinh mang tren nhung cay cau khong an toan o loc yen

Sau trận lũ, cây cầu khỉ nối thôn Hương Giang và thôn Hưng Yên chỉ còn lại như thế này...

“Nhà tôi có 4 sào đất làm lúa, màu và 1 ha trồng cam ở bên kia sông. Ngày mùa đối với chúng tôi bao giờ cũng kéo dài gấp nhiều lần so với những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi. Mỗi khi oằn vai cheo leo trên chiếc cầu khỉ gánh lúa về nhà, lòng lại ước ao một chiếc cầu vững chãi qua sông” - ông Yên bày tỏ.

danh cuoc tinh mang tren nhung cay cau khong an toan o loc yen

Muốn đi lại hai bên bờ, người dân thôn Hương Giang phải chung tay làm tạm cầu khỉ sau mỗi trận lũ. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, cây cầu đã phải làm lại đến 3 lần.

Cầu tràn nối hai bờ sông từ Hưng Bình sang Hương Yên - tuyến giao thông chính của gần 1.000 người dân hai bên bờ sông, sau gần 20 năm xây dựng, dưới sự tàn phá của thiên tai, đang dần xuống cấp. Móng cầu bị xói lở, dầm cầu sụt gãy, tạo cho bề mặt cầu không còn bằng phẳng mà bị võng xuống với biên độ lớn, nứt toác nhiều điểm. Khi có mưa lũ, nước băng qua cầu, điểm lõm này chính là chiếc bẫy chết người. Đây chính là nguyên nhân khiến 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Sâm (thôn Hương Yên) đi xe máy qua cầu tràn gặp nạn, trong đó, 2 người được may mắn cứu sống, còn con trai lớn bị lũ cuốn trôi cách đây gần 1 tháng.

danh cuoc tinh mang tren nhung cay cau khong an toan o loc yen

Người dân sống 2 bên sông cho biết, không chỉ khi mưa lũ, kể cả ngày thường cũng có nhiều người đi trên cầu đã bỏ mạng, do rơi xuống sông.

Theo người dân sống hai bên bờ sông, các vụ tai nạn người, xe, trâu bò bị sẩy chân khi qua cầu không phải là hiếm nhưng phần lớn đều được ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, khúc sông này đã từng xảy ra vụ đuối nước thương tâm của một học sinh lớp 2 khi một mình qua cầu để đến trường. Bà Nguyễn Thị Hiền - bà ngoại em (ở thôn Hương Yên) kể: “Sau mất mát to lớn đó, tất cả các cháu nội ngoại trong gia đình, cứ đến mùa mưa đều được gửi ở xóm gần trường để đi học. Riêng bà, cứ có trận mưa, chỉ qua sông bằng thuyền chứ không dám đi qua cầu nữa”.

Mùa mưa lũ 2017, sau vụ tai nạn của 3 mẹ con chị Sâm, xã Lộc Yên đã “cắm” cán bộ trực hai bên cầu khi có mưa lũ và hợp đồng thuê phương tiện chở người dân qua sông, tuyệt đối không sử dụng cầu để đi lại. Về lâu dài, sau nhiều lần kiến nghị, các ngành, đơn vị chức năng đã về đánh giá, khảo sát để xem xét việc xây dựng cầu. “Chúng tôi rất mừng khi những đề xuất của bà con vùng lũ đã đến với các ngành chức năng. Mong sao sau những chuyến khảo sát ở đây, Lộc Yên sẽ có cây cầu vững chãi để người dân không còn phải phấp phỏng nỗi lo khi mưa lũ tới” - bà Hiền bày tỏ.

Đọc thêm

Cảm ơn đồng bào!

Cảm ơn đồng bào!

Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...
Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Nguyễn Nam Tiến - Trường THCS Kỳ Long (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở thành niềm tự hào khi trở thành thủ khoa môn KHTN - B (Hóa học) trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 vừa qua.