Minh họa của Huy Tùng
Gia đình ông N.H (xã Thạch Châu, Lộc Hà) là điển hình của việc “bực dọc anh em cọc chèo”. Ông sinh được 5 người con, 1 trai và 4 gái. Lần lượt các con lấy vợ, lấy chồng, ra ở riêng. Gia đình thường xuyên tụ họp mỗi khi rảnh rỗi. Thế mà, trong chuyện vui cũng xen những điều buồn. Trong 4 anh em “cọc chèo” thì 2 anh lớn rất chăm lo cho gia đình vợ.
Trái ngược, 2 ông em “vai vế” nhỏ hơn thì rất ít khi tham gia. Thậm chí, trong những dịp giỗ chạp mời đông khách, rất cần con cháu tới lo việc, nhưng những ông con rể này cũng chẳng để tâm. Chỉ khi nào mọi người đã nấu nướng và lễ lạt xong, các anh này mới chạy xe tới. Có rất nhiều lần, đại gia đình phải ngồi chờ, thậm chí điện thoại vài lần mới thấy các “nhân vật quan trọng” ghé… ăn.
Thế rồi, trong một lần gần đây, 2 ông anh “cọc chèo” lớn vì không chịu nổi tính cách của 2 ông em nên to tiếng, suýt thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Gia đình khuyên nhủ, hàng xóm tích cực góp lời, cả đám mới giải tán.
Anh X, con rể thứ 3 bức xúc: “Tình cảm anh em “cọc chèo” lẽ ra phải rất thoải mái; có thể “trà dư tửu hậu” hàn huyên nhiều chuyện, thậm chí, chia sẻ với nhau cả khi khó khăn. Nhưng, thực sự, đôi khi chuyện không như mình nghĩ, phức tạp và khó nói lắm!”.
Trong thực tế, có không ít anh em “cọc chèo” xây dựng được mối quan hệ hòa thuận, êm đẹp. Làm con, dẫu là dâu hay rể luôn phải đặt lòng kính trọng bố mẹ chồng/vợ lên làm đầu. Đó là gốc của sự cư xử và cũng là rường mối của đoàn kết anh em, gồm cả anh em rể.
Hãy lắng nghe nỗi lòng ông N.H để hiểu thêm tâm trạng của người bố: “Dù rằng, sự xích mích của mấy con rể làm vợ chồng tôi rất buồn nhưng nói ra thêm nặng chuyện. Coi như mình chưa có phúc. Tôi chỉ khuyên nhủ mấy đứa con gái về nhẹ nhàng nói với chồng, kẻo người ta trông vào khó coi, còn đâu là gương cho bọn nhỏ”.