Năm 2021, anh Nguyễn Đình Khanh đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng mô hình chăn nuôi gà hiện đại.
Cũng như phần lớn thanh niên khác ở địa phương, anh Nguyễn Đình Khanh (xã Gia Phố, Hương Khê) bôn ba nhiều nơi kiếm việc làm, lập nghiệp. Hành trình mưu sinh đó không giúp anh có nhiều dư giả. Năm 2015, anh quyết định trở về quê khởi nghiệp.
Anh Khanh kể, ban đầu, tôi gom góp vốn để mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Cửa hàng giúp tôi có thể trang trải cuộc sống, nhưng khó để làm giàu vì nhu cầu vật liệu ở khu vực nông thôn còn thấp. May mắn trong quá trình lao động giúp tôi gặp gỡ nhiều người, học hỏi thêm kiến thức. Cùng với định hướng của các cấp chính quyền, đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên, năm 2021, tôi quyết định tận dụng tiềm năng của địa phương, xây dựng trang trại, phấn đấu vươn lên làm giàu.
Hành trình khởi nghiệp của anh Khanh có sự đồng hành của các tổ chức Đoàn.
Giữa bão dịch COVID-19, anh Khanh “liều lĩnh” vay mượn, đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô 20 nghìn con/lứa. Mô hình có liên kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Chu kỳ nuôi gà ngắn nên giúp anh nhanh thu hồi vốn, theo tính toán, mỗi năm anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình kinh tế của gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, anh Khanh đang mở rộng quy mô, xây dựng trang trại tổng hợp.
Anh Khanh chia sẻ, làm nông nghiệp không khó, cũng không có nhiều bí quyết nhưng cần sự đầu tư bài bản, có quy mô và liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, tôi còn trồng thêm 100 cây bưởi Phúc Trạch, đào ao thả cá và chuẩn bị vay vốn, đầu tư trồng cây dược liệu. Mô hình tôi hướng đến trong tương lai là nông nghiệp hữu cơ, tận dụng chất thải chăn nuôi gà để trồng cây, nuôi cá.
Anh Dương Văn Trung hiện sở hữu hơn 1.000 cây cam, trong đó 500 cây đã cho thu hoạch.
Sinh ra và lớn lên bên những vườn cây, mảnh ruộng của cha mẹ, quyết định lập nghiệp của anh Dương Văn Trung (xã Lộc Yên) được hun đúc từ nhiều thế hệ. Tận dụng 1,5ha đất đồi của của gia đình, năm 2017, anh Trung vay vốn để trồng 500 gốc cam. “Khi đó tôi mới 22 tuổi nên khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cùng với gia đình, hành trình khởi nghiệp còn có sự đồng hành của tổ chức đoàn thanh niên. Các cấp đoàn không chỉ hỗ trợ vay vốn và còn giúp đỡ tôi về kiến thức, kỹ thuật và tiếp cận những tư duy mới.
Hiện tại, cây cam đã cho thu hoạch, lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 100 triệu đồng. Gia đình tôi đang đầu tư, trồng mới thêm 500 gốc cam nữa. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm trên inernet để tìm đầu ra ổn cho sản phẩm. Làm nông nghiệp bây giờ cần đầu tư, cần công nghệ để nâng cao sản lượng và năng suất. Người trẻ chúng tôi mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn đủ lớn để mở rộng quy mô sản xuất” – anh Trung chia sẻ.
Các cấp đoàn không chỉ hỗ trợ vay vốn và còn giúp đỡ đoàn viên, thanh niên về kiến thức, kỹ thuật và tiếp cận những tư duy mới.
Cũng như anh Khanh, anh Trung, những năm qua, được sự đồng hành của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp, ngày càng có nhiều thanh niên ở Hương Khê mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong giai đoạn 2016-2022, Huyện đoàn Hương Khê hỗ trợ thành lập mới 56 mô hình kinh tế, lũy kế đến nay có 312 mô hình do thanh niên làm chủ. Trong đó có 3 mô hình chăn nuôi liên kết, trên 200 mô hình trồng cam, bưởi; nổi bật có 4 mô hình cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 12 mô hình cho doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình mới như chăn nuôi dê, dúi thịt, thỏ, ốc bươu,… bước đầu mang lại hiệu quả.
Bí thư Huyện đoàn Hương Khê Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhằm đánh thức khát vọng lập thân, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên, chúng tôi tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; vận động thanh niên tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tổ chức tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình kinh tế... Đồng thời, giúp thanh niên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về các thủ tục, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi do tổ chức Đoàn quản lý, ủy thác (hiện Huyện đoàn đang quản lý 61 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 80 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, hiện nay, các xã, thị trấn còn thực hiện giúp đỡ thanh niên khuyết tật, thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương học nghề, có việc làm để hòa nhập cộng đồng. Quan tâm đối tượng đoàn viên, thanh niên mất việc làm do dịch COVID-19.
Cùng với phong trào lập thân, lập nghiệp, Huyện đoàn Hương Khê cũng quan tâm, triển khai sâu rộng các phong trào hành động cách mạng với nhiều sự đổi mới; thể hiện rõ nét vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh thiếu nhi, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, đồng thời tạo môi trường thực tiễn phong phú, rộng lớn để thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Đặc biệt, trong phong trào tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, 5 năm qua, các cấp đoàn ở Hương Khê huy động hơn 30.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện các công trình, phần việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường; tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu,... Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả như: “đường điện thanh niên thắp sáng làng quê”, “đoạn đường thanh niên sáng - xanh - sạch - đẹp”, “vườn ươm thanh niên”, “đường hoa thanh niên”, “điểm vui chơi thanh thiếu nhi”. |