Nhiều năm nay, ông Lê Văn Lâm (70 tuổi) ở thôn Sơn Minh 1 (xã Kỳ Sơn) sống nhờ vào nguồn nước của đập Đá Quại. Ngoài 3 sào lúa hai vụ, 5 sào vườn trồng cây ăn quả thường xuyên chủ động nguồn nước tưới, phần lớn nước sinh hoạt của gia đình ông cũng dựa vào nguồn của đập Đá Quại.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước quý giá này bị thiếu hụt trầm trọng do lòng đập bị bồi lấp, mọi nhu cầu về sản xuất và đời sống của gia đình ông Lâm cũng như hàng trăm hộ dân các thôn vùng hạ lưu đập Đá Quại bị đảo lộn.
Toàn cảnh đập Đá Quại.
Ông Lâm cho hay: “Trước đây, đập rộng mênh mông, khi nhu cầu chưa lớn, nguồn nước dư thừa nên sử dụng không hết, đặc biệt, mùa mưa lũ đập còn điều tiết nước nên giảm ảnh hưởng do lũ lụt. Nay chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn. Khổ nhất là vào vụ gieo cấy hè thu. Trước đây, chủ động bao nhiêu thì nay bị động bấy nhiêu. Đập không đủ nước nên nhiều diện tích không có nước phải chờ trời”.
Theo lãnh đạo xã Kỳ Sơn, đập Đá Quại được xây dựng vào năm 2004. Thân đập được đổ bằng bê tông và ghép đá hộc với chiều rộng chân đập gần 20m, chiều cao 9m; dung tích trên 3 triệu m3.
Thân đập được đổ bằng bê tông và ghép đá hộc khá vững chãi nhưng hạn chế về chiều cao.
Với các thông số này, đập đảm bảo phục vụ tưới cho trên 40 ha lúa của 5 thôn thuộc xã Kỳ Sơn và hàng trăm ha cây màu, đồng thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu.
Tuy nhiên, do lưu vực được hình thành bởi bốn bên là núi nên bên cạnh lợi thế có nguồn nước dồi dào thì hằng năm con đập này cũng bị bồi lấp bởi một lượng lớn đất đá bị lở từ các sườn núi, gây cạn đáy nhanh chóng.
Hằng năm, những mảng núi bị lở như thế này đã đổ một lượng đất đá cực lớn xuống lòng đập...
Theo quan sát của chúng tôi, hiện diện tích mặt nước của đập Đá Quại không còn nhiều. Cả một vùng lưu vực rộng lớn phía thượng nguồn, trước đây là mặt nước nay là bãi bồi cỏ cây xanh mướt, trở thành nơi chăn thả gia súc.
Một phần lưu vực rộng lớn của đập Đá Quại trở thành bãi bồi.
Ngay cả vùng nước sâu nhất gần chân đập, trước đây có độ sâu 9m thì nay cũng chỉ còn chưa đầy 5m nước. Vì vậy, mặc dù bốn mùa nước chảy tràn thân đập nhưng khi cần lượng nước lớn thì đập lại không đủ khả năng.
Với thực trạng này, mong muốn của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ở đây là cần phải có sự đầu tư quy mô để nạo vét lòng đập, mở rộng lưu vực, đồng thời gia cố và nâng độ cao thân đập để tối ưu hóa khả năng tích nước của đập Đá Quại; ít nhất cũng đảm bảo dung tích nước như ban đầu.
Mong muốn của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân Kỳ Sơn là cần phải có sự đầu tư quy mô để nạo vét lòng đập, mở rộng lưu vực đập Đá Quại.
Mong muốn của người dân về việc cải tạo lòng đập Đá Quại là hết sức chính đáng và cấp thiết. Mặc dù rất trăn trở nhưng nguồn kinh phí để thực hiện công việc này là nằm ngoài khả năng của xã. Rất mong sự quan tâm của cấp trên, sớm có sự khảo sát, đầu tư cải tạo đập Đá Quại để giúp người dân ổn định sản xuất và đời sống.