Đập Khe Nải được xây dựng từ năm 1995, có diện tích gần 3 ha.
Đập Khe Nải ở thôn Liên Châu được xây dựng từ năm 1995, đập có dung tích gần 100.000m3. Ngoài vai trò dự trữ, cung cấp nguồn nước tưới cho hơn 50 ha đất nông nghiệp tại 3 thôn: Liên Châu, Tân Lệ và Bình Quang, đập Khe Nải còn cung cấp nước sinh hoạt cho gần 80 hộ dân trên địa bàn thôn Liên Châu.
Tuy nhiên, hơn 5 năm nay, đập bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được khắc phục, nâng cấp khiến nhiều hộ dân nơi đây không khỏi lo lắng.
Sau mỗi trận mưa, thân đập Khe Nải lại xuất hiện những vết sạt dài.
Nhà sát đập Khe Nải, ông Lê Sỹ Chung (SN 1966, thôn Liên Châu) cho biết, con đập này đã xuống cấp nhiều năm nay, đặc biệt, từ sau trận lũ tháng 10/2020, đập bị sạt lở mạnh, người dân trong thôn đã phải mua đất về khắc phục. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp khắc phục tạm thời.
Ví trí cống xả cũng bị mưa lũ làm sạt lở, không đảm bảo vận hành trong mùa mưa lũ.
Ông Chung cho hay: "Đập Khe Nải đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong thôn. Tuy nhiên, hơn 5 năm nay, đập bị xuống cấp nghiêm trọng, thân đập nhiều đoạn bì rò rỉ, thấm nước. Đặc biệt, ở vị trí cống xả mấy năm trước đã bị vỡ một đoạn buộc người dân be đắp, gia cố lại bằng đất, nhưng hiện đang rất thiếu an toàn.
Đập đang ngày một “rệu rã”, nguy cơ vỡ đập luôn thường trực, bà con chúng tôi không khỏi bất an. Người dân trong thôn đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền các cấp tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khắc phục".
Đập Khe Nải cung cấp nước tưới cho gần 50 ha lúa của 3 thôn: Liên Châu, Tân Lệ và Bình Quang.
Bà Lê Thị Thanh (SN 1956, thôn Liên Châu) lo lắng: “Cứ mỗi khi xảy ra mưa lớn kéo dài, bà con chúng tôi lại canh cánh nỗi lo vỡ đập. Nếu chẳng may đập bị vỡ, không biết bà con chúng tôi sẽ lấy nước đâu để sinh hoạt, phục vụ sản xuất!”.
Bà Thanh cũng cho biết thêm, người dân trong thôn rất muốn chung tay cùng địa phương trong việc nâng cấp, sửa chữa thân đập. Nếu địa phương có chủ trương xây dựng, bà con sẵn sàng đóng góp ngày công để hỗ trợ.
Thân đập Khe Nải cũng chính là con đường huyết mạch để những hộ dân sống quanh đập đến các vùng lân cận.
Cùng chung nỗi lo với nhiều hộ dân khác trong thôn, ông Hồ Xuân Đông (SN 1953, thôn Liên Châu) cho biết: "Bây giờ chỉ cần một trận mưa là xung quanh thân đập lại xuất hiện những vết sạt dài. Điều đáng nói, thân đập cũng chính là con đường huyết mạch để người dân trong thôn đi đến các vùng lân cận. Tuy nhiên, nhiều năm nay tuyến đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Vào mùa mưa lũ, trên mặt đường đầy rẫy những vũng nước, còn trong đập nước dâng cao mấp mé mặt đường khiến nhiều con em phải nghỉ học. Người lớn còn ý thức được nguy hiểm chứ mỗi lần thấy các cháu nhỏ đi học về hay chơi một mình trên đường, chúng tôi rất sợ.
Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là đập sớm được nâng cấp, làm rào chắn cẩn thận, để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất".
Những vết sạt lộ ra sau mỗi trận mưa.
Chủ tịch UBND xã Đức Liên Lê Văn Hùng cho biết: "Những lo lắng, bất an của các hộ dân sống quanh đập Khe Nải là hoàn toàn có căn cứ, chúng tôi đã nhiều lần nhận được kiến nghị của người dân về vấn đề này. Tuy nhiên, do ngân sách của địa phương có hạn nên chưa thể nâng cấp, tu sữa thân đập.
Để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất, địa phương rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên để nâng cấp đập Khe Nải".