Theo TS.BS Nguyễn Hồng Quân - Phó chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đau nửa đầu migraine là bệnh khá phổ biến. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, ngoại trừ các thể đặc biệt như migraine có biến chứng thần kinh. Mặc dù vậy, những cơn nhức nửa đầu dữ dội kéo dài kết hợp với một số triệu chứng khác ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
(Ảnh minh họa)
Bệnh đau nửa đầu migraine thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và độ tuổi thường từ 30 - 45. Bệnh thường giảm đi sau 50 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy có tính chất gia đình trong bệnh migraine. Cơn đau đầu migraine thường được kích hoạt bởi một số yếu tố như: đồ uống có cồn, thay đổi thời tiết, chu kỳ kinh nguyệt,...
Thông thường, khoảng 25% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng báo hiệu trước các cơn đau. Người bệnh có thể thấy chán nản, thèm ăn, nhìn mờ, tê bì nửa người, nói khó, chóng mặt thường diễn ra trước cơn đau đầu khoảng 50-60 phút.
Đau đầu thay đổi từ trung bình đến nặng, và các cơn kéo dài từ 4 giờ đến vài ngày, thường đỡ đi khi ngủ. Đau thường một bên nhưng có thể hai bên, thường gặp nhất ở vùng trán-thái dương và thường được mô tả đau kiểu mạch đập hoặc đau nhói.
Migrain không chỉ có đau đầu mà còn phối hợp với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động và sợ mùi khó chịu. Bệnh nhân kể khó tập trung trong các cơn đau. Hoạt động thể lực thường làm nặng thêm cơn đau đầu migraine; sự ảnh hưởng này, cùng với việc sợ ánh sáng và tiếng động, làm cho hầu hết các bệnh nhân muốn nằm trong một căn phòng tối, yên tĩnh trong các đợt đau đầu. Các cơn trầm trọng có thể làm bệnh nhân tàn phế, phá vỡ cuộc sống gia đình và công việc.
Điều trị trong migraine gồm hai mục tiêu chính là cắt cơn đau và dự phòng. Để cơn đau chóng qua đi, có thể cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau như Acetaminophen hoặc phối hợp với các hoạt chất khác như Aspirin, Ibuprofen… Sau khi cắt cơn, người bệnh cần phải tiếp tục dùng thuốc để điều trị phòng ngừa nhằm ngăn không cho cơn đau xuất hiện. Việc này hay gặp khó khăn bởi đa số bệnh nhân không tiếp tục uống thuốc khi họ đã tạm thời hết nhức đầu. Chính vì vậy, hiệu quả điều trị không cao và cơn đau có thể quay trở lại để “hành hạ” người bệnh bất kỳ lúc nào. Người bệnh nên đi khám để được bác sỹ tư vấn về kế hoạch dự phòng cơn đau đối với từng cá thể.
Thiết lập chế độ sinh hoạt, làm việc một cách hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để cơ thể được cân bằng, điều hòa. Không để tinh thần bị căng thẳng và stress, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… Tránh sử dụng các thuốc gây giãn mạch máu hoặc thuốc ngừa thai có chứa estrogen…Đây là những khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Hồng Quân để phòng tránh cơn đau nửa đầu tái phát.