Đầu tư chăn nuôi hữu cơ tuần hoàn, nông dân Cẩm Xuyên thu lợi cao

(Baohatinh.vn) - Mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế khác, gia đình anh Trần Danh Giáp (SN 1985, ở xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã thành công nhờ chăn nuôi tổng hợp, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Năm 2017, sau khi xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) phát động chủ trương chuyển đổi ruộng đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, vợ chồng anh Trần Danh Giáp (thôn Đông Nam Lý) đã tiên phong triển khai mô hình.

Trang trại của anh Trần Danh Giáp có hơn 1,5 ha diện tích ao nuôi cá các loại

Dưới sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Giáp đã vận động Nhân dân đổi đất nông nghiệp để tích tụ ruộng đất. Để có đủ quy mô trang trại hơn 3 ha, anh còn bỏ tiền mua lại diện tích đất khai hoang của bà con xung quanh. Đây được xem là quyết định khá táo bạo, bởi thời điểm đó, nơi đây chỉ là vùng đồng trũng, trồng lúa năm nào cũng kém hiệu quả.

Anh Trần Danh Giáp chia sẻ: “Ban đầu mình bỏ ra là hơn 500 triệu đồng, thuê máy móc để quy hoạch lại ao hồ thả cá và xây dựng chuồng trại dùng chăn nuôi bò, gà với quy mô nhỏ. Quá trình xây dựng, tôi đã tìm hiểu thêm nhiều kênh thông tin, tham gia tập huấn của hội nông dân, từ đó tôi có thêm động lực để mở rộng các loại hình chăn nuôi, phát triển theo hướng quy mô trang trại. Qua 5 năm, tổng mức đầu tư để xây dựng trang trại đã hơn 2 tỷ đồng”.

Ở tầng mặt, anh Giáp nuôi hơn 500 con ếch

Đến nay, trang trại của gia đình anh Giáp có 15 con bò (1 con bò đực chuyên đi phối giống); 1,5 ha diện tích ao hồ thả nuôi các loại (cá chép, cá trắm ốc, cá rô phi, cá rô đầu vuông) và xây dựng mô hình câu cá giải trí. Riêng bò đực phối giống, mỗi tháng, gia đình anh Giáp thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng từ bán tinh giống.

“Hệ thống ao nuôi hiện có khoảng 5 tấn cá các loại. Ngoài làm dịch vụ câu cá giải trí, gia đình còn thu hoạch gối vụ để bán cho các chợ trên địa bàn Hà Tĩnh. Chăn nuôi theo hình thức tự nhiên, hữu cơ tuần hoàn nên gia đình không tốn nhiều chi phí mua thức ăn. Bước đầu, tôi thấy chăn nuôi tổng hợp, chăn nuôi tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên một vòng tròn khép kín nên khi giá cả thị trường biến động thì gia đình vẫn không bị ảnh hưởng” - anh Trần Danh Giáp cho hay.

Mỗi ngày, gia đình anh Giáp thu nhập gần 1 triệu đồng từ bán trứng ốc sinh sản

Mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, năm 2022, anh Giáp tiếp tục thử nghiệm nuôi ếch, ốc bươu đen và tôm càng xanh. Theo đó, anh thả nuôi hơn 500 con ếch ở tầng mặt nước, 5 vạn ốc giống và 1 vạn tôm càng xanh ở tầng đáy. Bước đầu, các loại hình chăn nuôi mới thử nghiệm của anh Giáp cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Trong tháng 6 vừa qua, gia đình anh Giáp thu hoạch và bán hơn 400 con ếch, thu về gần 10 triệu đồng. Còn 5 vạn ốc giống, mỗi ngày, gia đình thu hoạch hơn 1 kg trứng ốc sinh sản và bán cho người dân quanh vùng với giá 800.000 đồng/kg.

Anh Giáp dành 0,6 ha diện tích trồng lúa hữu cơ và thả cá xung quanh ruộng, đắp bờ cao để trồng cỏ chăn nuôi bò

Cũng trong năm 2022, sau khi xã Cẩm Bình thí điểm một số mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá trên diện tích trồng lúa, anh Trần Danh Giáp đã học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng triển khai tại trang trại của gia đình. Hiện nay, 6 sào lúa hữu cơ cho năng suất 2,2 tạ/sào được thương lái đến tận nơi đặt vấn đề thu mua với giá cao hơn các dòng lúa khác gần 20%.

Với mô hình chăn nuôi tổng hợp, trang trại của anh Trần Danh Giáp đang cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng mỗi năm. Chủ hộ sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế “4 tầng nấc”.

Theo đó, ngoài ốc bươu đen và tôm càng xanh ở tầng đáy, cá ở tầng giữa, ếch ở tầng mặt…, anh còn nhập thêm nhiều giống cây ăn quả như: dừa, thanh long; làm giàn trồng bầu bí, mướp ngọt xung quanh ao hồ để tạo nguồn thức ăn cho ốc, cá và tăng hiệu quả kinh tế.

Chăn nuôi “4 tầng nấc”, mỗi năm, gia đình anh Trần Danh Giáp thu nhập hơn 500 triệu đồng

Mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi tuần hoàn của anh Trần Danh Giáp là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả, điển hình của xã. Đây cũng là hướng đi hoàn toàn phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương hiện nay. Từ mô hình này, chúng tôi đã định hướng để hội viên mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng an toàn sinh học gắn kết với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Duy Lợi
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói