Doanh nghiệp Hà Tĩnh tự tin khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19

(Baohatinh.vn) - Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) khiến các doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, không ít DN vẫn duy trì được việc sản xuất, có những thay đổi linh hoạt, hiệu quả và sẵn sàng đón bắt cơ hội để “bật lên” sau đại dịch.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tự tin khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19

Dù khó khăn nhưng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh vẫn đảm bảo việc làm cho gần 400 công nhân

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh nhưng hiện đang chịu tác động kép của dịch Covid-19 bởi thị trường xuất khẩu tạm thời đóng cửa và nguyên liệu sản xuất cũng không nhập khẩu được.

Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu - Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh Nguyễn Khắc Nam cho hay: 80% sản lượng sợi xuất trực tiếp đến thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan nhưng do các DN có ký kết với công ty đều đang trong tình trạng khó khăn nên đã giãn, hoãn và hủy các đơn hàng; trong khi đó, thị trường nội địa cũng không mấy khả quan.

Dù đầu ra gặp khó, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu hồi đầu năm, đảm bảo việc làm cho gần 400 công nhân lao động. “Thị trường tiêu thụ cũng như việc vận chuyển gặp khó khăn, giá giảm khiến sản lượng tồn kho lên tới 600 tấn sợi (khoảng 40 tỷ đồng) nên hiện công ty phải cắt giảm sản lượng sản xuất” - ông Nguyễn Khắc Nam cho biết.

Cũng chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh khi thị trường trầm lắng, nguồn hàng và sản lượng của nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng trong quý I năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tự tin khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19

Ngay sau thời gian giãn cách xã hội, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu - Viết Hải đã làm việc lại với các đối tác và tìm kiếm thị trường mới

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu - Viết Hải (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) với các sản phẩm được thị trường trong tỉnh, Nghệ An, Quảng Bình ưa chuộng, song, thời gian qua, do thực hiện cách ly toàn xã hội nên việc vận chuyển hàng cho đối tác gần như ngừng hẳn.

“Mấy tháng qua, công ty vẫn duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm cho người lao động, nhưng sản phẩm tiêu thụ giảm 55%, lượng hàng tồn kho ngày một nhiều hơn”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải Cao Xuân Quyền thông tin.

Trong khi đó, Nhà máy Sản xuất bánh kẹo Tân Tiến Phát (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) cũng phải dừng sản xuất, cho công nhân tạm nghỉ việc. Lượng hàng tồn đọng tại nhà máy và các cửa hàng, đại lý khoảng 15 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tự tin khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19

Các sản phẩm của Nhà máy Sản xuất bánh kẹo Tân Tiến Phát đang dần chiếm lĩnh được thị trường

“Đền chùa đóng cửa, các lễ hội không tổ chức, học sinh nghỉ học, các khu công nghiệp thì công nhân nghỉ nhiều nên hàng đọng lại. Quý I/2019, doanh thu của công ty đạt 20 tỷ đồng nhưng quý I năm nay, doanh thu giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 5 tỷ đồng” - Giám đốc Nhà máy Nguyễn Thị Thạch chia sẻ.

Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần như tất cả các DN sản xuất công nghiệp, đơn vị kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn đều gặp khó về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Trong đó, các mặt hàng sắt thép, may mặc, nông sản (gạo, chè), thủy sản… bị tác động lớn nhất.

Dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng các DN Hà Tĩnh vẫn tin tưởng rằng, khi dịch Covid-19 giảm dần và các nước khống chế được dịch bệnh thì thị trường, sức tiêu thụ sẽ tăng dần trở lại. Thực tế cho thấy, để thích ứng khó khăn do dịch gây ra, nhiều DN Hà Tĩnh, nhất là DN vừa và nhỏ đã có những cách làm mới, linh hoạt kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, chờ cơ hội bứt phá.

“Chúng tôi đang có ý tưởng đầu tư lắp thêm các dây chuyền sản xuất mì tôm, sản xuất nhãn mác, đồng thời nhận phân phối nhãn hàng của một hãng nước ngọt tại địa bàn Hà Tĩnh. Điều đó tạo điều kiện cho công nhân có thêm việc làm và đơn vị có thêm doanh thu, vượt qua thời kỳ khó khăn” - Giám đốc Nguyễn Thị Thạch cho biết thêm.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh tự tin khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19

Các DN ở Hà Tĩnh luôn tuân thủ quy trình phòng chống dịch Covid-19

Các DN cũng kỳ vọng vào chính sách hiện nay của Chính phủ về thuế, lãi suất, tín dụng… với gói hỗ trợ lên tới 280.000 tỷ đồng. Đây như là “máy trợ sức” tiếp thêm “oxy” cho các DN bị “đóng băng” thời gian qua.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa khẳng định: “Sở đang phối hợp với các ban, ngành nắm bắt tình hình, đánh giá và lượng hóa tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động phát triển KT-XH trên từng ngành, lĩnh vực; từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh. Đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast