Thị trường rộng khắp, sản phẩm chủ lực Hà Tĩnh khẳng định vị thế

(Baohatinh.vn) - Nhờ việc nỗ lực xây dựng thương hiệu và tìm kiếm các đối tác phân phối, sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thị trường rộng khắp, sản phẩm chủ lực Hà Tĩnh khẳng định vị thế

Nhờ tích cực tìm kiếm thị trường, sản phẩm nem chua của cơ sở nem chua Ý Bình (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Vào đầu năm nay, sản phẩm nem chua của cơ sở nem chua Ý Bình (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) được đưa vào bày bán tại nhiều cửa hàng thực phẩm ở tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, sản phẩm đã có mặt ở nhiều địa phương như Phú Thọ, Nam Định, Hà Nội, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…

Chị Lê Thị Bình – chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: “Cũng nhờ thị trường rộng khắp với các điểm phân phối trong cả nước nên dù dịch Covid–19 có gây nhiều ảnh hưởng, hàng vẫn được xuất đi với khối lượng khá. Mình có đồng vốn xoay xở để “trụ” qua giai đoạn này và khi tình hình ổn định có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất được.

Bản thân mình muốn đưa sản phẩm “đi xa” thì phải luôn mở rộng được thị trường mới ở các tỉnh khác chứ chỉ quẩn quanh ở “ao nhà” thì rất khó để phát triển. Quan trọng nhất là phải không ngại khó, kiên trì, thường xuyên đề xuất vấn đề hợp tác với các đơn vị phân phối trong cả nước”.

Thị trường rộng khắp, sản phẩm chủ lực Hà Tĩnh khẳng định vị thế

Sản phẩm nem chua Ý Bình vẫn được phân phối tại 4 cơ sở ở Quảng Ninh giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, cơ sở luôn coi trọng việc xây dựng thương hiệu từ vấn đề an toàn thực phẩm, mẫu mã, nguyên liệu. Nguồn thịt lấy từ các trang trại có chứng nhận đạt tiêu chuẩn, làm nên chất lượng của sản phẩm, trở thành “giấy thông hành” hàng đầu để được các điểm phân phối tin tưởng và kí kết hợp đồng dài hạn.

Chị Lê Hoài Thu – chủ cơ sở sản xuất bánh ram Anh Thu (Thạch Hà) cho biết: “Nhờ có nhiều “mối” ở hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước nên bánh ram vẫn xuất đi được ổn định, mình có thể cầm cự được để chờ hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã tăng cường giới thiệu và bán hàng qua nhiều kênh hiện đại như mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử… để sản phẩm được biết đến nhiều hơn”.

Thị trường rộng khắp, sản phẩm chủ lực Hà Tĩnh khẳng định vị thế

Giữa mùa dịch Covid-19, bánh ram Anh Thu vẫn sản xuất đều và xuất đi hằng ngày nhờ mạng lưới điểm phân phối rộng khắp.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: Cơ sở sản xuất giò me Tiến Giáp (Hương Khê), cơ sở kẹo cu đơ Phong Nga (Thạch Hà), HTX Thiên Phú (Nghi Xuân)…. cũng đang mạnh dạn, chủ động mở rộng đối tác kinh doanh, đưa sản phẩm “made in Hà Tĩnh” đến với thị trường lớn, đặc biệt là hệ thống siêu thị như Vimart, Co.opmart. Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã coi trọng việc đầu tư “dài hơi” trong sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh hơn như đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với thị yếu khách hàng, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì,….

Thị trường rộng khắp, sản phẩm chủ lực Hà Tĩnh khẳng định vị thế

Sản phẩm nội tỉnh được khách hàng tin tưởng lựa chọn tại các điểm phân phối trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu

Anh Ngô Trung Trực – Giám đốc HTX Thiên Phú (Nghi Xuân) chia sẻ: “Có bột mới gột nên hồ", có thực sự chất lượng với mẫu mã ưa nhìn thì người sản xuất mới tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”, đưa sản phẩm của cơ sở ra thị trường các tỉnh được. Đơn cử như sản phẩm nước nắm Lạch Kèn của HTX cũng phải trải qua quá trình tìm kiếm, cải tiến kỹ thuật và lựa chọn nguyên liệu đầu vào thì mới có chỗ đứng ở nhiều nơi như Nam Định, Hà Nội, Thái Bình…

Thị trường rộng khắp, sản phẩm chủ lực Hà Tĩnh khẳng định vị thế

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ để tạo uy tín, mở rộng thị trường trong cả nước.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Lê Xuân Từ cho biết: Sản phẩm chủ lực của tỉnh chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, được phân phối rộng và có lượng khách hàng ổn định. Đây là một trong những “nút gỡ” để doanh nghiệp, cơ sở duy trì được sản xuất trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Để tiếp tục mở rộng thị trường, năm nay, Sở thực hiện kế hoạch trọng tâm phát triển thương mại điện tử, kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

“Cùng với đó, Sở sẽ hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại quy mô, chủ động phối hợp các đơn vị phân phối để sản phẩm nội tỉnh đến gần hơn với khách hàng; đề xuất vấn đề mặt bằng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, yên tâm sản xuất” - ông Từ cho biết thêm.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.