Kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh tăng trưởng khá

(Baohatinh.vn) - Hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của Hà Tĩnh đã có sự tăng trưởng và chuyển dịch cán cân hợp lý khi tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm dần kim ngạch nhập khẩu.

Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh ước đạt 1.969,09 triệu USD, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Thép và phôi thép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 882,36 triệu USD (tăng 37,95% so với cùng kỳ năm trước). Tính trong các mặt hàng xuất khẩu, thép và phôi thép ước đạt 738,49 triệu USD và là mặt hàng có kim ngạch tăng lớn nhất (tăng 40,29%); tiếp đến là mặt hàng dăm gỗ ước đạt 22,79 triệu USD (tăng 21,68%).

Mặc dù khá nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cụ thể, mặt hàng chè và xơ, sợi dệt các loại giảm sâu nhất (lần lượt giảm 22,88% và 21,64%); dệt và hàng may mặc (giảm 10,25%).

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Dăm gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng 21,68% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.086,73 triệu USD, giảm 14,01% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích, những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu mặt hàng trọng điểm thép do giá thành thép cuộn tăng và việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này đã tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu thép như Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Điều này đã góp phần cân bằng lại kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh và đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao.

Theo dự kiến của ngành chức năng, trong năm 2023, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao là thép, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng khoảng 10 - 12%; các mặt hàng như chè, bao bì dự kiến tăng từ 10 - 15%. Hàng may mặc, xơ sợi dự báo sẽ có nhiều khởi sắc từ giữa năm 2023.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast