Quản lý, khai thác hiệu quả “kinh tế vỉa hè” đô thị ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đối với các đô thị nói chung, TP Hà Tĩnh nói riêng, vỉa hè không chỉ là hành lang đường bộ mà còn là không gian công cộng tạo nhiều lợi ích nếu được quản lý, sử dụng hợp lý.

Quản lý, khai thác hiệu quả “kinh tế vỉa hè” đô thị ở Hà Tĩnh

Những năm gần đây, TP Hà Tĩnh tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần chỉnh trang đô thị và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, TP Hà Tĩnh tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã góp phần chỉnh trang đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đô thị trung tâm ngày càng thu hút nhiều các loại hình kinh doanh, thương mại hấp dẫn, trong đó có kinh tế vỉa hè.

Hiện nay, nhiều người dân TP Hà Tĩnh đã tận dụng một số tuyến đường có hè phố rộng, đảm bảo quy định để sử dụng tạm thời phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán; tập kết vật liệu; dừng, đỗ xe… tạo sinh kế gắn với hè phố đô thị.

Quản lý, khai thác hiệu quả “kinh tế vỉa hè” đô thị ở Hà Tĩnh

Các dãy quán đồ nướng trên vỉa hè đường Hàm Nghi hoạt động từ 17h chiều đến 23h đêm thu hút khá nhiều khách hàng.

Chị Lê Thị Minh Thơ - chủ kinh doanh quán đồ nướng vỉa hè đường Hàm Nghi cho biết: “Tận dụng không gian vỉa hè thoáng rộng, xa khu vực dân cư nên chúng tôi sử dụng để kinh doanh đồ nướng vào ban đêm. Tôi đã kinh doanh ở đây được 5 năm, không chỉ có nguồn thu ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 3-5 lao động thường xuyên. Sau khi kết thúc ngày kinh doanh, chúng tôi dọn vệ sinh, trả lại mặt bằng sạch đẹp”.

TP Hà Tĩnh có 8.000 hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, trong số này, không ít hộ tạo sinh kế gắn với vỉa hè. Các loại hình kinh doanh trên vỉa hè ở TP Hà Tĩnh chủ yếu là: quán nước, kinh doanh đồ nhậu vào ban đêm, quán ăn sáng; hoặc sử dụng một phần vỉa hè để dừng, đỗ xe cho cửa hàng kinh doanh của mình… Tuyến đường tập trung nhiều nhất loại hình kinh doanh vỉa hè như: Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú…

Trên thực tế, việc người dân tự ý sử dụng tạm thời một số tuyến đường có vỉa hè vào mục đích kinh doanh, buôn bán hiện nay không đúng với quy định về trật tự đô thị. Tuy nhiên, kinh tế vỉa hè cũng là một khách quan của đô thị. Loại hình này tạo nguồn thu và việc làm cho một lượng khá lớn người lao động; đáp ứng một số sản phẩm và dịch vụ có giá cả vừa phải, phù hợp với thu nhập của một số bộ phận dân cư. Không chỉ thế, trong tiềm thức của người dân đô thị, vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là không gian xã hội đặc thù, không gian sinh kế đa dạng, linh hoạt.

Quản lý, khai thác hiệu quả “kinh tế vỉa hè” đô thị ở Hà Tĩnh

Nhiều tuyến đường, không gian vỉa hè được người dân tận dụng tối đa để phục vụ kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Giang - phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Không gian vỉa hè gần gũi, tiện lợi nên những người trẻ như chúng tôi rất thích la cà ở các quán trà đá, quán ăn đêm… Tất nhiên, việc sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh cần có sự quản lý, thu phí dịch vụ để đảm bảo các vấn đề liên quan đến công tác trật tự an toàn giao thông, trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, cũng như khai thác một cách có hiệu quả mô hình kinh tế này”.

Việc quản lý, sử dụng tạm thời hè phố ngoài mục đích giao thông đã được Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quyết định số 33/2020/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 của UBND tỉnh ban hành quy định một số nội dung về quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Để khai thác được tiềm năng kinh tế vỉa hè, tỉnh cần ban hành quy định về mức thu, nộp, quản lý, sử dụng phí sử dụng tạm thời hè phố; danh mục các tuyến đường được phép sử dụng hè phố… Từ đó, làm cơ sở tạo nguồn thu hợp lý để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng hè phố; đồng thời hài hòa lợi ích sinh kế của người dân.

Quản lý, khai thác hiệu quả “kinh tế vỉa hè” đô thị ở Hà Tĩnh

Đường Phan Đình Phùng là con đường có mật độ kinh doanh vào loại lớn nhất thành phố hiện nay.

Ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “TP Hà Tĩnh đã xây dựng đề xuất trình UBND, HĐND tỉnh ban hành quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời hè phố trên địa bàn thành phố. Căn cứ vào các quy định pháp lý và thực trạng quản lý trật tự đô thị, vỉa hè trên địa bàn, thành phố đã khảo sát toàn bộ các tuyến đường đảm bảo các điều kiện để xây dựng mức phí theo từng đối tượng sử dụng; đề xuất danh mục một số tuyến đường cụ thể đưa vào khai thác, quản lý. Việc này đáp ứng xu thế phát triển tất yếu, tạo nguồn thu phục vụ duy tu, bảo dưỡng hè phố, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự, văn minh đô thị và tạo điều kiện để người dân nâng cao sinh kế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH”.

Chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2023, ngày 10/5, UBND thành phố đã đăng ký nội dung trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề: Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời hè phố trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Không riêng TP Hà Tĩnh, rất nhiều thành phố trên cả nước đã khai thác khá hiệu quả kinh tế vỉa hè. Điều đó cũng đặt chính quyền thành phố phải có cơ chế quản lý bài bản, thống nhất, khách quan, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa giữ trật tự, kỷ cương, mỹ quan đô thị.

Quản lý, khai thác hiệu quả “kinh tế vỉa hè” đô thị ở Hà Tĩnh

Chủ đề Đô thị loại II

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast