Thu hút hơn 19,2 tỷ USD vốn FDI và hứa hẹn những kỷ lục mới

Sáu tháng đầu năm nay, đã có trên 19,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy, rất có thể, năm 2017 sẽ lại có những kỷ lục mới được thiết lập.

Cuộc soán ngôi ngoạn mục

Sau nhiều tháng ngày “an tâm” ở các vị trí thứ hai, thứ ba, thậm chí có lúc bị đẩy xuống vị trí thứ 4, Nhật Bản cuối cùng đã quay trở lại với vị trí quán quân trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017.

Tất nhiên, nếu tính lũy kế, Nhật Bản vẫn xếp hạng thứ hai sau nhà đầu tư Hàn Quốc. Tuy nhiên, tính theo năm, thì cho tới giờ này, có thể nói, Nhật Bản đã có một cuộc soán ngôi ngoạn mục. Họ đã quay trở lại với vị trí thứ nhất sau một thời gian dài “để mất” vào tay nhà đầu tư Hàn Quốc.

thu hut hon 19 2 ty usd von fdi va hua hen nhung ky luc moi

Dây chuyền sản xuất bình nước nóng Ariston tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 5,08 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của nhà đầu tư Hàn Quốc là 4,95 tỷ USD.

Có một sự thay đổi ngoạn mục như vậy, rất dễ thấy là nhờ Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, sau nhiều năm chờ đợi đã được cấp chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ riêng vốn đăng ký đầu tư của dự án này đã gần 2,8 tỷ USD.

Đã từ rất lâu, có lẽ phải từ thời điểm 2012 -2013, sau khi Dự án Thành phố mới Bình Dương Tokyu và Dự án Bridgestone được cấp chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký cùng là 1,2 tỷ USD, mới lại thấy có một dự án tỷ USD của nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký vào Việt Nam.

Tính đến ngày 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã lên tới 19,2 tỷ USD, tăng 54,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, vốn đăng ký mới là 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ; vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, còn có 2.501 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 2,24 tỷ USD, tăng 97,6%.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Khoản vốn lớn của Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đã đóng vai trò gần như là quyết định vị trí đứng đầu của nhà đầu tư Nhật Bản. Tất nhiên, còn phải kể tới sự “tiếp sức” của 2 dự án Trung tâm Thương mại Aeon MALL Hà Đông và Sân golf Sakura Hải Phòng. Cả hai dự án này cùng được trao chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 6 vừa qua, tại Nhật Bản, với vốn đầu tư đã lên tới hàng trăm triệu USD.

Ngoài sự soán ngôi của nhà đầu tư Nhật Bản, thì trong tháng 6, cũng đã ghi nhận sự soán ngôi của Thanh Hóa. Nhờ đại dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất. Tổng số vốn FDI mà Thanh Hóa thu hút được trong nửa đầu năm là 3,06 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Sẽ có những kỷ lục mới?

Mới có nửa đầu năm, vốn đầu tư vào Việt Nam đã xấp xỉ 20 tỷ USD, một con số thật đáng ghi nhận. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, rất có thể, năm nay sẽ lại có những kỷ lục mới được thiết lập. Năm ngoái, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam là trên 24 tỷ USD. Năm nay, mới nửa đầu năm, kết quả đã rất khả quan.

Thêm nữa, thông tin cho biết, nhiều khả năng trong năm nay, sẽ có thêm hai dự án nhiệt điện BOT - giống như Nhiệt điện Nghi Sơn 2 sẽ được cấp chứng nhận đầu tư. Chỉ cần hai dự án này, vốn đầu tư vào Việt Nam đã có thể cán ngưỡng 24 tỷ USD của năm ngoái.

Trong khi đó, sau hai chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với thông điệp nhất quán gửi đi từ người đứng đầu Chính phủ, rằng Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, một sự hứng khởi đã nhìn thấy rất rõ từ các nhà đầu tư của hai thị trường lớn này. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Nhiều nhà đầu tư cũng đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với thị trường Việt Nam.

Dễ thấy nhất, ngoài việc sẽ cùng với Tập đoàn BRG xây dựng Khu đô thị thông minh với số vốn đầu tư 4,2 tỷ USD tại Bắc Thăng Long (Hà Nội), Tập đoàn Sumitomo không hề giấu giếm mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhiệt điện BOT Bắc Vân Phong. Còn Tập đoàn Kirin đang có kế hoạch đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bia, nước giải khát và thực phẩm.

Trong khi đó, Tập đoàn công nghiệp nặng IHI thì chia sẻ với Thủ tướng rằng, đang có kế hoạch đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, thông qua việc xây dựng nhà máy nhiệt điện giảm khí CO2, xây dựng cầu đường nhằm góp phần cải thiện giao thông Việt Nam...

“Các nhà đầu tư Mỹ cũng không không nên chậm chân ở Việt Nam nữa”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ đã nhấn mạnh điều này và bày tỏ mong muốn rằng, các nhà đầu tư Mỹ sẽ sớm ra các quyết định đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà họ có thế mạnh, bao gồm cả việc tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, mà không nhất thiết phải “đi từ đầu”.

Một khi các kế hoạch và thỏa thuận này được hiện thực hóa, vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc. Hẳn nhiên, sẽ có những kỷ lục được ghi.

Quan trọng vẫn là giải ngân và chất lượng dòng vốn

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng mạnh và đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là làm sao đẩy nhanh vốn đầu tư đã đăng ký.

Số liệu cho biết, vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng này đã được cải thiện so với những tháng đầu năm. Mặc dù vậy, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự băn khoăn trước khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cũng rất nhiều quan điểm cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cần tạo điều kiện để các dự án FDI nhanh chóng giải ngân, qua đó giúp tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, liên quan đến thu hút FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định rằng, cần chủ động thu hút FDI theo đúng định hướng mà Chính phủ đã đặt ra, là tập trung vào các dự án công nghệ cao, hiện đại, các dự án của các tập đoàn đa quốc gia...

“Hiện nay, một số nước đang thay đổi công nghệ và muốn chuyển dần công nghệ sử dụng nhiều năng lượng, nhiều lao động, nhiều tài nguyên nguyên vật liệu ra nước ngoài. Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, nhưng cũng cần thận trọng để làm sao tiếp cận được ngay các công nghệ mới, công nghệ tốt, ít tiêu hao năng lượng cũng như các nguồn lực khác để mang lại hiệu quả cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Liên quan tới vấn đề này, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, một trong những nội dung được tập trung thảo luận, thậm chí còn là chủ đề chính của Diễn đàn, đó là tăng cường liên kết khu vực FDI với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế. Chỉ khi sự liên kết này là chặt chẽ và hiệu quả, thì mới thực sự tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI. Và khi đó, thu hút FDI nhiều mới thực sự có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế.

Theo Nguyên Đức/baodautu.vn

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.