Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

Xu thế phát triển đô thị ven sông là vấn đề không cần bàn cãi, nhưng quy hoạch các đô thị như thế nào để vừa “đánh thức” tiềm năng dòng sông, vừa khai thác được mọi lợi thế để tạo sức bật cho đô thị là bài toán mà các địa phương tại Việt Nam cần đi tìm lời giải.

Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

Bài học từ các đô thị ven sông nổi tiếng thế giới

Trên thế giới ngày nay, các đô thị lớn và văn minh đều được hình thành bên những dòng sông như thành phố New York (Mỹ) bên sông Hudson, Paris (Pháp) nằm bên bờ sông Seine, London (Anh) bên bờ sông Thames, Melbourn (Australia) hình thành nơi hạ lưu sông Yarra, Seoul (Hàn Quốc) phát triển bên bờ sông Hàn…

Điều đó cho thấy trong con mắt của chính quyền và các nhà làm quy hoạch thế giới, dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển các đô thị. Và một điểm chung tạo nên thành công cho các đô thị ven sông ở các quốc gia đi trước đó là việc xác định sẵn từ khâu quy hoạch, trong đó không gian hai bên bờ sông phải hướng tới sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như kết nối dòng sông với lợi ích chung của toàn xã hội.

Nhìn sang nước Anh, nơi có sông Thames là con sông lớn nhất nước và chảy qua thủ đô London. Dù tại đây đã và đang xuất hiện hàng loạt công trình với đủ loại kiến trúc, nhưng luôn tuân thủ theo cấu trúc tự nhiên của ven sông, kết nối với cảnh quan xung quanh và tạo ra những quần thể độc đáo, đặc trưng của thành phố.

Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

London lộng lẫy bên bờ sông Thames được xem là biểu tượng của nước Anh, thành phố đáng sống nhất thế giới

Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố, sông Thames vừa là lá phổi xanh của London, là nguồn cung cấp nước chính, vừa là trục cảnh quan với nhiều công trình văn hóa, du lịch, di sản, công viên sinh thái tự nhiên bám dọc hai bên bờ sông. Về cơ bản, lõi đô thị London vẫn là những không gian hành chính, thương mại dịch vụ với nhiều quảng trường và lối đi ven sông, có khả năng kết nối giữa các giá trị kiến trúc cũ và mới. Kết quả, không gian ven sông Thames được ví như một “cuốn sách lịch sử” của sự phát triển đô thị, khi quá khứ và hiện tại được đan xen trong sự hài hòa.

Tại Seoul - thủ đô Hàn Quốc, nơi có sông Hàn chảy qua, chính quyền thành phố cũng định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội ven sông theo hướng xanh, chú trọng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan xanh như xây dựng cầu vượt, các công trình văn hóa, không gian công cộng, công viên, lối đi riêng dành cho người đi bộ và xe đạp… Kết quả nơi đây trở thành “viên ngọc sinh thái” thu hút đông đảo người dân và khách du lịch, nâng cao giá trị của đất đai, trở thành minh chứng cho lý thuyết rằng quy hoạch đồng bộ theo hướng bảo vệ môi trường có khả năng làm gia tăng giá trị của các công trình và chất lượng cuộc sống.

Tương tự tại Mỹ, giai đoạn 2003 – 2012, Sở Quy hoạch thành phố New York đã xây dựng hàng loạt công viên cây xanh và chỗ ngồi, lối dạo bộ quanh khu vực ven sông Hudson đắt đỏ, trở thành địa điểm thư giãn, sinh hoạt công cộng được ưa thích nhất của cư dân và thu hút mọi khách du lịch tìm về.

Tại Trung Quốc, bến Thượng Hải cũng được xem là một hình mẫu về đô thị ven sông với bản sắc và không gian xanh trải dài từ quận Hồng Khẩu hướng về sông Hoàng Phố.

Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

Bên dòng sông Hudson được quy hoạch nhiều công trình xanh tạo điểm nhấn cho thành phố New York

Việt Nam – những dấu ấn tiên phong

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) cho rằng, việc sử dụng không gian hai bên bờ sông và cấu trúc nó thành một phần của “cơ thể đô thị” là cả một bài toán quy hoạch không đơn giản. Quy hoạch không ổn thì không thể tạo nên một cấu trúc đa chiều phát triển theo hai hướng dọc sông và ngang sông, tạo hướng mở từ trong đô thị ra ngoài sông.

So với thế giới, Việt Nam là nước đi sau trong công tác quy hoạch đô thị ven sông, nhưng đó cũng có thể xem là một ưu thế khi nước ta có những hình mẫu thành công khác để học hỏi. Cùng với đó, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đang cho thấy sự đúng hướng trong công tác quy hoạch khi quyết tâm thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Theo đó, chiến lược này bao gồm việc thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện với môi trường.

Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

Quy hoạch đô thị xanh và bền vững là một trong những mục tiêu lớn trong chiến lược quốc gia tầm nhìn 2050. Nguồn: TTXVN

Một trong những kết quả của chiến lược đó là đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045”, được xem như bước đệm trong hành trình “mài sáng” viên ngọc lung linh bên sông Sài Gòn. Hiện tại, thành phố đang mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm đóng góp ý kiến hoàn thiện đề án một cách chi tiết, nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ.

Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch chi tiết và “mạnh tay” cho quy hoạch chỉnh trang đô thị ven sông. Ảnh: internet

Mới đây, Đồ án “Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống” cũng được UBND TP Hà Nội công bố. Nói về hai đồ án này, lãnh đạo thành phố cho biết, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lập kế hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố. Trong đó sẽ hình thành các trục không gian đặc trưng, hành lang xanh với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí của Hà Nội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Ở thị trường địa phương, tiêu biểu là TP Vinh (Nghệ An) cũng bước đầu đạt được thành tựu trong quy hoạch đô thị ven sông khi Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, Nghệ An” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trong đó nâng cấp, cải tạo sông Vinh là hợp phần quan trọng nhất.

Với sự tham vấn của các chuyên gia quốc tế từ Ngân hàng Thế giới – đơn vị tài trợ vốn 178 triệu USD cho dự án, sông Vinh trở nên tiệm cận với các con sông ở các thành phố lớn trên thế giới khi được quy hoạch các phân khu làng sinh thái, chợ nổi, khu du lịch tâm linh…

Trong tầm nhìn vài năm tới, ven sông Vinh sẽ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp thưởng ngoạn cảnh quan xanh mát, nơi thiên nhiên hòa quyện trong sức phát triển thời đại, đồng thời lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa ngàn đời của thành phố.

Xu thế phát triển đô thị ven sông: Đi tìm “mẫu số chung” thành công của các đô thị ven sông

Quy hoạch sông Vinh được kỳ vọng sẽ đưa TP Vinh sánh vai với các thành phố ven sông nổi tiếng thế giới

Nhìn nhận về vai trò của đô thị ven sông, KTS Trịnh Hoài Ân - Giám đốc Quy hoạch đô thị Archetype Vietnam cho rằng, bản thân các đô thị ven sông chính là nguồn gốc tạo ra việc làm, thu hút đầu tư và giúp cải thiện hạ tầng, bộ mặt đô thị. Do đó, việc xem xét và đề xuất các giải pháp quy hoạch các đô thị ven sông là vô cùng cần thiết.

Trong đó, việc làm tốt công tác quy hoạch, tạo ra các khu đô thị ven sông đáng sống, có giá trị không chỉ với con người mà còn hài hòa với tự nhiên, phát triển theo hướng xanh và bền vững là bài học thành công mà các đô thị ven sông trên thế giới đã và đang để lại cho các quốc gia đi sau tiếp bước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast