ĐBQH đoàn Hà Tĩnh: Tăng cường quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng không ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt của người dân

(Baohatinh.vn) - Tham gia phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia nêu một số ý kiến liên quan đến điều kiện, trách nhiệm, công tác quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia ý kiến thảo luận.

24.06.03.Tin.ThaoLuan.LuatQLVKVLN.2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Quản lý chặt chẽ, không làm phát sinh thủ tục hành chính

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia khẳng định việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của luật hiện hành và tạo cơ sở pháp lý quản lý, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Về giải thích từ ngữ, tại điểm b, khoản 4 Điều 3 quy định “Dao có tính sát thương cao”, ĐBQH Trần Đình Gia đề nghị cân nhắc quy định phù hợp, đảm bảo vừa quản lý chặt chẽ vừa không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân và không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia thảo luận.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia thảo luận.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, thời gian qua, đã phát hiện nhiều cá nhân mua hóa chất để chế tạo thuốc nổ, thuốc pháo nổ có sức công phá, sát thương cao, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của con người. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về vật liệu nổ có tính năng, tác dụng tương tự; dẫn đến không có căn cứ áp dụng xử lý hình sự đối với tội sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ đối với các loại thuốc nổ, thuốc pháo nổ tự chế. Do đó, tại khoản 8, đề nghị bổ sung quy định chi tiết về “vật liệu nổ có tính năng, tác dụng tương tự”.

Tại điểm d khoản 2 và điểm b khoản 11, ĐBQH Trần Đình Gia đề nghị giải thích cụ thể khái niệm “bộ phận cơ bản cấu tạo nên vũ khí quân dụng” gồm các bộ phận gì, tương ứng loại vũ khí nào. Vì quy định này còn mang tính chất trừu tượng, chưa cụ thể, dẫn đến không đồng nhất trong áp dụng pháp luật. Thực tế, mỗi loại vũ khí gồm nhiều bộ phận, chi tiết khác nhau, một số chi tiết có sẵn trong đời sống xã hội mà pháp luật không cấm như: Súng nén hơi phải có bình nén hơi mới hoạt động được, nếu chỉ vì “tàng trữ” loại bình này mà bị xử lý hình sự theo vũ khí quân dụng thì có thể xảy ra oan sai.

Quy định trường hợp cụ thể, phù hợp và chính xác

Về điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 về việc người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện “Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án” là chưa hợp lý, vì các đối tượng đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý kỷ luật thuộc nhiều lĩnh vực và trường hợp khác nhau. Do đó, đề nghị xem xét, quy định phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo chính xác và chặt chẽ.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Về quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, tại khoản 2, Điều 9, ĐBQH Trần Đình Gia đề nghị tách thành hai khoản quy định riêng về “kho vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ” và “nơi cất giữ vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ”. Vì, kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dành cho lực lượng vũ trang có thể đảm bảo thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng chống cháy nổ, đảm bảo môi trường. Còn đối với một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có công cụ hỗ trợ số lượng ít, chủng loại đơn giản (như gậy cao su, gậy kim loại, gậy điện…) chỉ cần quy định về nơi cất giữ có đủ các yếu tố an toàn như tủ sắt, khóa 2 lớp… Điều này phù hợp với thực tế hiện nay, giảm chi phí, thủ tục cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, Phó Trưởng đoàn cho rằng cần cân nhắc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 về trường hợp không được nổ súng khi trên phương tiện có chở người hoặc có con tin. Trên thực tế người sử dụng vũ khí tốt có khả năng bắn tỉa, bắn trực tiếp vào người đang điều khiển phương tiện hoặc bắn vào lốp xe để dừng phương tiện, bắt giữ đối tượng. Vì vậy, đề nghị quy định căn cứ vào tình hình thực tiễn, người sử dụng vũ khí được cân nhắc có thể nổ súng hoặc không nổ súng, bảo đảm dừng được phương tiện nhưng vẫn an toàn cho người, con tin trên xe.

Cuối phiên thảo luận, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng điều hành Bộ Công an đã thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast