ĐBQH Hà Tĩnh chất vấn về phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi

(Baohatinh.vn) - Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn trong việc điều hành quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của ngành.

Chiều ngày 7/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng.

Tiếp tục ý kiến chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về phát triển vùng nguyên liệu ngô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc.

Đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia chất vấn.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá, ngô là cây truyền thống, có lợi thế phát triển tại Việt Nam, giá ngô cao nhưng suốt thời gian dài không có chính sách khuyến khích phát triển trồng ngô nguyên liệu, trong khi đó nhiều diện tích các loại cây trồng khác phải liên tục “giải cứu”.

Cho rằng nhu cầu ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc của Việt Nam hiện nay là rất lớn, lên đến hơn 10 triệu tấn/năm, chủ yếu vẫn là nhập khẩu và tăng theo từng năm, nhưng liên tục từ năm 2015 đến nay diện tích trồng ngô trên cả nước vẫn giảm; đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ sự băn khoăn trong việc điều hành quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của ngành.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, chia sẻ kết quả đạt được; nhận trách nhiệm, đưa ra nguyên nhân những hạn chế, tồn tại và các giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Trả lời nội dung tranh luận của đại biểu Trần Đình Gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Công tác quy hoạch cây trồng còn nhiều hạn chế, trước đây Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ Đồng bằng Sông Cửu Long chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng ngô, nhưng thực tiễn bài toán lợi thế cạnh tranh giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích sẽ quyết định sự lựa chọn của người dân.

Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI vào đầu tư đều có tiêu chuẩn riêng, và có chuỗi cung cấp thức ăn nhập khẩu theo hệ thống, việc trồng ngô tại Việt Nam cũng khó đáp ứng tiêu chuẩn và tiếp cận thị trường này. Bộ trưởng báo cáo Quốc hội, hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án tăng cường tự chủ trong vật tư đầu vào như ngô, đậu tương… để giảm thiểu rủi ro nếu thị trường “đứt gãy”.

Trong chiều nay, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn về: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tham gia trả lời chất vấn và làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói