Đề án 1816 góp phần làm giảm bệnh nhân chuyển tuyến

Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế và đạt được hiệu quả đáng kể, góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến.

Bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Thạch Hà phẫu thuật Bệnh lý ống phúc tinh mạc ở trẻ em. Ảnh: Thanh Loan

Sau 2 năm thực hiện, Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà đã có những chuyển biến rõ nét, nhất là về trình độ chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh. Bác sỹ Lê Văn Bình – Phó giám đốc Bệnh viện cho biết: “Hai năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận 20 lượt bác sỹ ở tuyến trên về chuyển giao một số kỹ thuật mới và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Hầu hết các bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, phụ trách tại các chuyên khoa ngoại, chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhờ đó, bệnh nhân chuyển tuyến trong hai năm qua tại bệnh viện đã giảm 30% so với trước”.

Ngoài hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, các bác sỹ luân phiên đã chuyển giao công nghệ sử dụng các thiết bị y tế hiện đại, bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Một số kỹ thuật mới được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả tại bệnh viện như: Mỗ trĩ bằng phương pháp longgo; mổ thoát vị bẹn có mảnh ghép; mổ sỏi đường mật. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận và chữa khỏi một số bệnh nặng như: chữa ngoài tử cung vỡ gây sóc mất máu nặng; cấp cứu sơ sinh non yếu, thiếu tháng; phẫu thuật cắt tử cung; phẫu thuật đứt chi nối liền mạch máu; ghép chi bị đứt; phẫu thuật vá da có cuống ghép... Hai năm qua đã có hàng trăm bệnh nhân điều trị bằng kỹ thuật mới tại bệnh viện, không phải chuyển lên tuyến trên.

Hầu hết những người bệnh đến khám và điều trị đều rất hài lòng với chất lượng điều trị cũng như tinh thần của các y bác sỹ nơi đây. Sản phụ Nguyễn Thị Nga ở Khối phố 16, Thị trấn Thạch Hà cho biết: “Tôi sinh con thứ 4 nặng 4,6kg, đẻ thường, do thai to, tiền sử đẻ băng huyết. Sau đẻ tôi bị đờ tử cung, huyết áp tụt, sóc mất máu nặng và ngất đi. Tôi tưởng mình đã chết nhưng khi tỉnh lại tôi mới biết là mình đã sống. Nghe người nhà kể lại, trước cơn nguy kịch đó tôi được các y, bác sỹ của bệnh viện tận tình cứu chữa, cấp cứu tích cực tại chỗ, chuyền máu, chống sốc nên tôi đã thoát cơn nguy kịch. Đến nay, mới được 3 ngày nhưng sức khỏe của tôi ổn định, mẹ tròn con vuông. Tôi rất cám ơn các y, bác sỹ nơi đây, họ là ân nhân cứu mạng của gia đình tôi”.

Phẫu thuật thoát bị bẹn có mảnh ghép tại Bệnh viện đa khoa Thạch Hà do bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao. Ảnh Thanh Loan

Thông qua đề án 1816, tại Bệnh viện cũng đã cử một số bác sỹ về tuyến dưới chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật. 2 năm qua đã có gần 100 lượt bác sỹ về các Trạm y tế chưa có bác sỹ trên toàn huyện chuyển giao một số chuyên môn, kỹ thuật như: y học cổ truyền; sản khoa; nội khoa; 3 chuyên khoa... Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở tuyến y tế gần dân nhất.

Bác sỹ Trần Hữu Ngọc – Trưởng Khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà cho biết: “Qua Đề án 1816 chúng tôi được tiếp nhận một số kỹ thuật mới trong điều trị vì thế một số bệnh được điều trị có hiệu quả như: mỗ trĩ bằng phương pháp longgo; mỗ thoát vị bẹn có mảnh ghép; mổ sỏi đường mật, phẫu thuật đóng đinh nội tủy xương đòn... mà không phải chuyển lên tuyến trên như trước kia”.

Để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh, trong thời gian tới Bệnh viện đa khoa Thạch Hà sẽ tiếp tục mời các bác sỹ của các tuyến trên về chuyển giao một số kỹ thuật mới về mổ sỏi tiết niệu; cắt Amidan gây mê...

Với những kết quả đã đạt được, Đề án 1816 đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thạch Hà, tạo điều kiện cho bệnh nhân có cơ hội được điều trị tại địa phương, giảm chi phí đi lại cho gia đình người bệnh và làm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói