Tiêm vắc-xin phòng sởi để tăng miễn dịch cộng đồng

(Baohatinh.vn) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành Y tế Hà Tĩnh đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin tại một số địa phương để gia tăng miễn dịch cộng đồng.

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch sởi diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn cả nước, số ca mắc tăng gấp nhiều lần. Tại Hà Tĩnh, dù ngành chức năng và các địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người dân song dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 ca mắc sởi với các ổ dịch ở Đức Thọ, Hương Khê, Lộc Hà.

tiem-soi-1a-6931.jpg
Huyện Cẩm Xuyên tiến hành tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em.

Trước những nguy cơ của dịch bệnh, ngành Y tế Hà Tĩnh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi tại một số địa phương.

Tại điểm tiêm chủng ở Trạm Y tế xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên), từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đã sắp xếp công việc để đưa trẻ đến trạm tiêm phòng vắc-xin sởi. Chị Bùi Thị Hà (thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh) cho biết: “Lịch tiêm chủng trùng với ngày đi học nhưng do con tôi đã 8 tuổi mà chỉ mới tiêm 1 mũi vắc-xin nên khi nhận thông tin tiêm bổ sung của trạm y tế xã, tôi đã xin phép cô giáo chủ nhiệm cho cháu nghỉ học để đi tiêm phòng. Việc con được tiêm đầy đủ 2 mũi, tôi thấy yên tâm hơn”.

Nhận được thông tin của trường học và trạm y tế, chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Đông Vịnh, xã Cẩm Vịnh) cũng đã chủ động đưa con trai 4 tuổi đi tiêm mũi vắc-xin phòng sởi. “Con tôi mới được tiêm 1 mũi phòng sởi vào năm 2021, sau đó vì nhiều lý do tôi chưa cho cháu đi tiêm đầy đủ. Dịch sởi ở nhiều nơi đang phức tạp nên ngay sau khi ngành y tế triển khai chiến dịch tiêm miễn phí cho các cháu, tôi tranh thủ cho con đi tiêm để được phòng bệnh" - chị Hoa chia sẻ.

tiem-soi-2a-2604.jpg
Tiêm phòng cho các nhân viên y tế.

Tại huyện Cẩm Xuyên, các điểm tiêm được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ khâu rà soát đối tượng, chuẩn bị nhân lực, vắc-xin đến các điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất, đảm bảo cho buổi tiêm chủng diễn ra an toàn, thuận lợi.

Bác sĩ Đào Tiến Thắng- Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Vịnh cho biết: “Ngay khi nhận được kế hoạch về chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi, trạm đã tham mưu cho ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của xã, xây dựng kế hoạch triển khai; huy động toàn bộ nhân lực để phục vụ cho buổi tiêm chủng. Đến nay, 37 trẻ và 17 nhân viên y tế thuộc đối tượng được tiêm đều đã có giấy thông báo tiêm chủng đầy đủ. Đối với những cháu nào có chống chỉ định hoặc phải hoãn tiêm, trạm sẽ được bố trí tiêm ghép vào tháng 11 khi đủ điều kiện”.

Bác sỹ Trần Huy Nghĩa- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Để đảm bảo số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đợt này, chúng tôi đã tiến hành rà soát qua nhà trường và qua đội ngũ y tế thôn, kể cả với những trẻ vãng lai, sinh sống tại các địa bàn khác cũng sẽ được thông báo cho cha mẹ đưa con em đi tiêm. Mục tiêu là không bỏ sót các trẻ trong diện tiêm chủng. Chiến dịch tiêm-vắc xin sởi của huyện Cẩm Xuyên được tổ chức đồng loạt tại 23 xã, thị trấn. Sau 3 ngày triển khai, toàn huyện đã có 1.042 trẻ từ 1-10 tuổi và 408 nhân viên y tế được tiêm, đạt 84,7% kế hoạch đề ra”.

tiem-soi-3a-9906.jpg
Tiêm phòng vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để phòng chống hiệu quả với bệnh sởi.

Tại huyện Nghi Xuân, công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, quy trình một chiều.

Bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân cho biết: Trước lúc triển khai, toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng đã được lên danh sách cụ thể và thông báo đầy đủ thời gian, địa điểm tiêm. Cán bộ y tế tham gia tiêm chủng được hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú đến từng người dân, gia đình và nhà trường. Kết quả, huyện Nghi Xuân có 938 trẻ và 323 nhân viên y tế được tiêm, đạt tỷ lệ 78,1% kế hoạch đề ra.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ tại Hà Tĩnh luôn duy trì đạt tỷ lệ trên 90%, tuy nhiên ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn quá trình tiêm chủng. Vì vậy, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh sẽ rất cao nếu người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Dưới chỉ đạo của Sở Y tế, được sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi và các nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên. Người dân khi có thông báo của trạm y tế, cần đưa trẻ đi tiêm phòng kịp thời, đúng lịch”.

Đối với các địa phương khác, nhất là các địa bàn từng có các ca mắc sởi như: Hương Khê, Đức Thọ, Lộc Hà... dù không nằm trong chiến dịch tiêm chủng đợt này tuy nhiên tại các trung tâm y tế đều có sẵn vắc-xin phòng sởi nên ngành y tế đang tổ chức rà soát trẻ em trong độ tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để khuyến cáo người dân chủ động đến cơ sở y tế tiêm chủng. Ngoài ra, người dân có thể chủ động đến các địa điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm phòng.

Theo khuyến cáo, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Vì vậy việc tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Người dân cần chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin sởi, tiêm đầy đủ và đúng lịch. Việc triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ nhỏ không chỉ giúp trẻ có hàng rào miễn dịch phòng bệnh, mà còn ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm chung trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.