Đề nghị Chính phủ sớm quyết định dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

(Baohatinh.vn) - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri Hà Tĩnh đến với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong phần thảo luận tại nghị trường Quốc hội sáng nay (26/10).

Đề nghị Chính phủ sớm quyết định dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên thảo luận sáng 26/10/2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Trước hết, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu cho rằng bước vào giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chúng ta đứng trước những khó khăn thách thức đan xen, với những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, sự hạn hẹp về dư địa phát triển, nợ công cao và những tác động của thiên nhiên, biến đổi của khí hậu khó lường. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, nhất là sự hành động quyết liệt của Chính phủ, của các địa phương, đến nay, chúng ta đã đạt được các thành quả hết sức phấn khởi, 12/12 chỉ tiêu đều hoàn thành và trong đó có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao ngay từ quý I và cao đều ở các quý; tăng đều trên cả ba lĩnh vực, chất lượng tăng trưởng thể hiện rõ chuyển dịch tích cực của cơ cấu kinh tế, không còn phụ thuộc nhiều vào khai khoáng, dầu thô và thu ngân sách tăng khá. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực cũng như gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp rất ấn tượng.

Các lĩnh vực về văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển đạt được nhiều kết quả quan trọng, đại biểu đồng tình cao Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra bảy nhóm tồn tại, yếu kém, xác định về nguyên nhân và đề ra những giải pháp rõ ràng, cũng như 13 nhóm vấn đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá sâu sắc hơn để có những giải pháp thiết thực sắp tới.

Tại diễn đàn này, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn boăn khoăn một số vấn đề mà thời gian qua nhân dân và cử tri rất quan tâm, cần được kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét và có giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

Một là, tuy có các chuyển biến bước đầu nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả trong cải cách hành chính vẫn còn sự chồng chéo, xung đột giữa pháp luật và chính sách, giữa nền hành chính công và tài chính công, đây là rào cản để thu hút đầu tư; cùng với sự chỉ đạo tổ chức thực hiện còn bất cập của các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân vẫn gặp không ít khó khăn, phiền hà khi trực tiếp giao dịch để thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi, kiến nghị của mình cho nên cần cần quan tâm đồng bộ hơn.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ cần quan tâm rõ nét hơn nữa trong đầu tư phát triển với đầu tư cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhất là cần có các hệ thống nghiên cứu, dự báo, cảnh báo kịp thời những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức khó lường để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Cần đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn cho các công trình đê, kè, sông biển, sạt lở núi nhất là đảm bảo an toàn của hệ thống hồ, đập.

Hiện nay, nhiều công trình đã xây dựng từ lâu, đã khai thác, sử dụng hàng chục năm nhưng thiếu nguồn để duy tu bảo dưỡng thường xuyên nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Các địa phương và nhân dân không thể cân đối nổi nguồn lực, đại biểu thực sự lo lắng và đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầy đủ hơn đưa những loại công trình này vào dự án cần thiết, cấp bách trong kỳ đầu tư trung hạn thời gian tới.

Thứ ba, đại biểu hết sức quan tâm đến sự phát triển gắn với giữ gìn và bảo vệ môi trường. Hiện nay các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị và nông thôn đều được chú trọng và xử lí môi trường nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sản xuất, đời sồng của nhân dân. Trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp xã, cấp huyện thì tiêu chí môi trường đặt ra thách thức cho các địa phương. Dù đã có nhiều quy định và giải pháp tuy nhiên vẫn còn rất khó khăn cho cơ sở.

Đại biểu tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Tài nguyên – Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình, công nghệ, thiết bị hiện đại để xử lí nguồn rác thải để đảm bảo cho môi trường nông thôn an lành và phát triển. Từ bài học đắt giá của môi trường biển do sự cố Formosa, hơn ai hết cử tri Hà Tĩnh gửi gắm qua nghị trường Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có quyết định sớm về việc dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Video: Hệ lụy môi trường sau gần 10 năm khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Đại biểu căn cứ các thông số của các nhà khoa học đã nghiên cứu và phản biện và thực tế hiện nay dự án khai thác thử còn dang dở và không hiệu quả đã gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất và ảnh hưởng lớn tới môi trường đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.

Dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là một trong những dự án trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - Xã hội là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo ở Trung ương cũng như địa phương mấy chục năm qua. Tuy vậy, qua quá trình khảo sát, đánh giá, triển khai cho thấy còn nhiều bất cập đó là: Quy mô dự án rất lớn, vị trí khai thác sát bờ biển, thời gian khai thác dài nhưng các báo cáo đánh giá về dự án và trình tự thực hiện, nguồn lực đầu tư còn đơn giản nhất là giải pháp kỹ thuật, giải pháp về môi trường, giải pháp huy động nguồn vốn và đánh giá hiệu quả kinh tế - Xã hội mới chỉ quan tâm đến tài chính, các báo cáo đánh giá tác động môi trường còn sơ sài; đây là những vấn đề mà địa phương và cử tri hết sức lo lắng.

Đại biểu cho biết, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam, nếu xử lí đầy đủ các vấn đề về môi trường thì dự án đến nay không còn hiệu quả. Trước các vấn đề nêu trên, tháng 12/2016, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản kiến nghị UBTVQH vào tháng 5/2017; Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có báo cáo Ban bí thư Trung ương Đảng tháng 9/2017; Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2017.

Vừa qua, các Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Công thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, các báo cáo này chưa thực sự đồng nhất trong việc đề xuất dừng dự án. Vì vậy, chúng ta càng kéo dài dự án ngày nào càng gây khó khăn cho địa phương và nhân dân vùng dự án ngày ấy. Nhân dân trong vùng dự án không được kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đời sống, sản xuất, nhất là không thể xây dựng Nông thôn mới theo phong trào chung của tỉnh và cả nước. Mặt khác, ảnh hưởng lớn cho việc đầu tư hoạt động du lịch, dịch vụ các bãi biển ở Hà Tĩnh, từ đó đời sống nhân dân trong vùng dự án thật sự khó khăn.

Đại biểu nhấn mạnh: Tài nguyên quý giá chưa khai thác là của để dành cho con cháu, khi nào chúng ta có đủ điều kiện, nguồn lực, công nghệ, thị trường... bảo đảm thì chúng ta mới đầu tư khai thác cũng chưa muộn, nhất quyết chúng ta không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Một lần nữa, đại biểu gửi đến Quốc hội và Chính phủ và các bộ, ngành trung ương thật sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh nhất là cử tri, nhân dân vùng mỏ để sớm quyết định dừng, xử lí các vấn đề của dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Chủ đề Kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.