Diêm dân Kỳ Hà nhạt nhòa hạt muối...

(Baohatinh.vn) - Chất lượng sản phẩm thấp là một trong những nguyên nhân khiến muối Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chưa tìm được đầu ra ổn định, dẫn đến diện tích ruộng muối ngày càng thu hẹp...

Nghề muối không còn nuôi nổi diêm dân

Làng nghề truyền thống Kỳ Hà từng có khoảng 100 ha ruộng muối nhưng những năm gần đây diện tích này giảm chỉ còn khoảng 50 ha. Nguyên nhân là do người dân không còn sống được bằng nghề muối nữa.

Diêm dân Kỳ Hà nhạt nhòa hạt muối...

Nắng kéo dài, muối làm ra nhiều nhưng giá quá thấp, không có đầu ra nên nhiều diêm dân đã không còn mặn mà với cánh đồng muối.

Đồng muối thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà giữa tiết trời nắng nóng như đổ lửa thưa vắng bóng người. Bám ruộng chỉ có người già, trung niên còn lớp trẻ chẳng ai mặn mà gì với nghề.

Bà Nguyễn Thị Xuân - diêm dân thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà chia sẻ: “Suốt cả ngày, 2 người làm quần quật mới được chừng 1 tạ muối, giá bán ra hiện giờ chỉ được 130 - 150 nghìn đồng/tạ. Giá thấp đã đành, muối còn bị ế nữa. Cuộc sống của người làm nghề như chúng tôi vốn đã khổ giờ còn gian nan hơn".

Hiện nay, tình trạng muối chất đầy các nhà kho không bán được là thực tế chung khiến nhiều hộ diêm dân ở Kỳ Hà lao đao.

Gắn bó với nghề muối hàng chục năm qua, ông Phan Chung (thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà) không khỏi thở dài: “Mấy năm nay, muối làm ra chủ yếu là để bán cho chăn nuôi, hoặc để ướp hải sản… Vậy nhưng, đầu ra cũng “phập phù”, giá muối xuống thấp lại thường xuyên bị thương lái ép giá nên nhà ai có nhân lực thì chở đi bán rong khắp nơi, còn không thì thu hoạch về đành chất trong kho...”.

Diêm dân Kỳ Hà nhạt nhòa hạt muối...

Muối sau khi thu hoạch đành chất đầy các nhà kho vì không có đầu mối thu mua ổn định (Trong ảnh: Bà Trương Thị Nhung - vợ ông Chung chỉ cho PV việc muối chất đầy nhà kho không thể tiêu thụ)

Đời sống của người làm muối rất khó khăn vì có năm bán được năm không, phụ thuộc vào thị trường… Bà con chỉ mong, hạt muối làm ra nếu được Nhà nước hỗ trợ giá, hoặc có công ty bao tiêu sản phẩm thì diêm dân mới kiên định giữ nghề.

Diêm dân Kỳ Hà nhạt nhòa hạt muối...

Diện tích ruộng muối xã Kỳ Hà nay thu hẹp chỉ còn một nửa

Nỗi buồn của những diêm dân cũng là nỗi lo của chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: "Nhiều người rất cố gắng để giữ nghề, chỉ mong nghề nuôi mình nhưng thực tế những năm gần đây thu nhập từ đồng muối bấp bênh nên diện tích cứ dần thu hẹp lại. Làm thế nào để hỗ trợ bà con làm muối yên tâm gắn bó với nghề vẫn đang là bài toán khó không chỉ với những hộ diêm dân mà còn với cả chính quyền địa phương.

Cả xã Kỳ Hà từng sản xuất ra từng đạt gần 10.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn khoảng 40-50 hộ còn gắn bó với nghề truyền thống, sản lượng gần 1.500 tấn/năm. Tuy vậy, nhiều hộ vẫn chọn bỏ nghề vì giá muối thấp và không có đầu ra tiêu thụ..”.

Mong muốn sản xuất muối chất lượng cao

Xã Kỳ Hà từng có hơn 100 hộ dân sản xuất muối nhưng nay chỉ còn một nửa. Phương thức làm muối ở xã Kỳ Hà bao đời nay vẫn được duy trì theo cách làm truyền thống; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng muối không cao, khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.

Thực tế đó đặt ra cho chính quyền bài toán làm sao để vừa giữ được nghề truyền thống vừa phát triển kỹ thuật làm muối nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời cũng tìm ra cách chuyển đổi hình thức sản xuất cho các ruộng muối bỏ hoang.

Diêm dân Kỳ Hà nhạt nhòa hạt muối...

Nhiều diêm dân bày tỏ nguyện vọng muốn được hỗ trợ tiếp cận KHKT để làm muối chất lượng cao.

Những năm gần đây, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong xây dựng bộ chạt lọc cải tiến và công cụ làm muối... nhưng thành phẩm hạt muối Kỳ Hà vẫn chưa đạt được độ đẹp và chất lượng như mong muốn. Những diêm dân còn giữ nghề luôn mong muốn được hỗ trợ, tiếp cận khoa học kĩ thuật (KHKT) làm muối chất lượng cao.

“Hiện nay, các chính sách cho ngành muối còn ít và chưa đủ để giúp người dân yên tâm sản xuất. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ diêm dân ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất muối; hỗ trợ hình thành các hợp tác xã chuyên sản xuất muối. Qua đó, tăng cường mở rộng quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho muối Kỳ Hà…” - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện kiến nghị.

Diêm dân Kỳ Hà nhạt nhòa hạt muối...

Diện tích muối sản xuất không hiệu quả cần tính đến “bài toán” chuyển đổi sản xuất khác

Một trong những cơ chế, chính sách mở đường cho việc quy hoạch, phát triển lại nghề muối của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và của thị xã Kỳ Anh nói riêng chính là Đề án phát triển nghề muối giai đoạn 2021 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/8/2020. Tuy nhiên, để áp dụng được chính sách cũng như triển khai vào thực tế tại xã Kỳ Hà cần có thời gian, quy trình.

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: "UBND thị xã sẽ xây dựng đề án tổng thể phát huy thế mạnh vùng sản xuất muối truyền thống, theo hướng nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm muối Kỳ Hà. Chúng tôi cũng sẽ tìm các giải pháp mở rộng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm muối trên địa bàn. Trong đó, trước mắt sẽ đăng ký sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho muối Kỳ Hà... Thị xã cũng mong muốn, tỉnh sớm có đề án và chính sách hỗ trợ người dân các vùng sản xuất muối, từ đó giúp sản phẩm muối có đầu ra ổn định, tăng thu nhập...”.

Đề án phát triển nghề muối giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/8/2020 nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể:

Đối với sản xuất muối thủ công: đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình thí điểm sản xuất muối kết hợp du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch; mô hình sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.