Các tổng thống Mỹ ưa lách luật để tham chiến

Quyết định phát động tấn công Syria của Tổng thống Trump, lần thứ 2 trong vòng hơn một năm, trở thành trung tâm của cuộc tranh luận ở Mỹ sau cuộc không kích.

cac tong thong my ua lach luat de tham chien

Biểu tình ở London đòi không được ném bom xuống Syria vào ngày 13-4, chỉ vài giờ trước khi liên quân Mỹ - Anh - Pháp bắn hơn trăm quả tên lửa xuống Syria - Ảnh: REUTERS

Trong khi các nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ như John McCain - chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện - hoan nghênh hành động của Tổng thống Donald Trump, đồng thời cảm ơn các đồng minh Anh, Pháp đã góp sức cùng Mỹ, thì có những người đi ngược lại số đông.

"Quyết định không kích Syria mà không có sự đồng ý của Quốc hội của ông Trump là bất hợp pháp. Phải chấm dứt chuyện này. Hôm nay là Syria, ngày mai ai sẽ ngăn ông ta ném bom Iran hay Triều Tiên" - thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine chỉ trích.

Hiến pháp Mỹ quy định quyền phát động chiến tranh thuộc về Quốc hội, nhưng trong nhiều năm qua, các đời tổng thống Mỹ đã nhiều lần, bằng cách này hay cách khác lách qua chuyện này.

Cuộc không kích mới nhất của chính quyền Trump cũng không ngoại lệ bằng cách gọi ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi nêu rõ theo quy định kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 về việc điều động các lực lượng quân sự Mỹ phải được Quốc hội cho phép thông qua các lệnh cho phép điều động (AUMF).

Vì vậy, bà cảnh báo Tổng thống Trump cần phải vạch ra một kế hoạch cụ thể và phải trình lên trước Quốc hội nếu định tiến hành thêm bất kỳ một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn nào khác nhằm vào Syria.

Bà Pelosi khẳng định "một đêm không kích không thể thay thế được một kế hoạch cụ thể", tổng thống phải ra trước Quốc hội với một kế hoạch có mục tiêu và động cơ rõ ràng để có được AUMF.

Còn hạ nghị sĩ Dân chủ Lucille Roybal-Allard viết trên Twitter: "Tôi tin là Mỹ nên phản ứng trước vụ tấn công hóa học tại Syria nhưng nó phải được Quốc hội thông qua. Tổng thống Trump đã tự hành xử theo cách của riêng ông ấy khi không kích Syria".

Trong khi đó, nghị sĩ Eric Swalwel cũng nhắc lại các cuộc không kích mà Tổng thống Trump đã ra lệnh tiến hành nhằm vào một căn cứ không quân của Syria hồi năm ngoái mà không cần ý kiến từ Quốc hội.

Việc các cuộc không kích này không giúp làm thay đổi tình hình tại Syria cho thấy chính phủ đang thiếu những chiến lược đúng đắn và ràng buộc các quốc gia Trung Đông cùng tham gia tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

cac tong thong my ua lach luat de tham chien

Cảnh sát chống bạo động của Chile trấn áp bắt giữ người biểu tình trước tòa Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Santiago ngày 14-4 phản đối cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp - Ảnh: REUTERS

Tại London, kết quả cuộc thăm dò dư luận của tổ chức YouGov cho biết sau khi Anh tham gia tấn công Syria, chỉ có 22% số người được hỏi ủng hộ việc không kích Syria và nhiều nghị sĩ Anh cho rằng thủ tướng nước này, bà Theresa May, có trách nhiệm tham vấn Quốc hội, dù không bắt buộc, trước khi quyết định để Anh tham chiến.

Báo chí Anh nhận định bà May sẽ gặp phải những chỉ trích nặng nề từ phía các nghị sĩ của Công Đảng, Đảng Dân tộc Scotland và Đảng Dân chủ tự do vào phiên điều trần trước Quốc hội ngày 16-4 tới.

Ông Ian Blackford - người đứng đầu Đảng Dân tộc Scotland (SNP) tại Hạ viện - đã công khai chỉ trích Thủ tướng May khi tuyên bố "không thể chấp nhận được việc Thủ tướng tự mình đưa ra quyết định mà không hề có bất cứ cuộc thảo luận nào trước với Quốc hội".

Về phần mình, Thủ tướng May đã bảo vệ quyết định gửi quân tham chiến mà không tham vấn trước với Quốc hội, giải thích rằng không quân Hoàng gia Anh chỉ là một hợp phần tham gia cuộc không kích giới hạn và có trọng điểm nhằm vào các mục tiêu vũ khí hóa học của Syria.

Bà May cho rằng việc tham gia không kích cần phải tiến hành đúng thời điểm để phối hợp tác chiến với cuộc không kích do Mỹ đứng đầu.

Dự kiến, trong ngày 16-4, sẽ có cuộc biểu tình phản đối trước Quốc hội Anh về việc Chính phủ Anh quyết định tham chiến.

Bộ Ngoại giao VN: Người Việt không đến Syria và khu vực lân cận

Trước tình hình căng thẳng tại Syria những ngày gần đây, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Syria hoặc các khu vực lân cận (có thể bị ảnh hưởng) trong thời gian này cho đến khi tình hình ổn định trở lại để tránh những nguy hiểm, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong trường hợp khẩn cấp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) theo số điện thoại trực bảo hộ công dân: +98212411670 hoặc người thân tại Việt Nam có thể liên hệ với tổng đài bảo hộ công dân theo số điện thoại: +84981848484 để được trợ giúp kịp thời.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast