Ông Trump: Xung đột ở Ukraine lẽ ra không xảy ra nếu Nga còn trong G8

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích quyết định của G8 (nay là G7) khi loại Nga khỏi nhóm.

img-proxy-1.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nếu Nga còn trong nhóm G8 thì cuộc chiến ở Ukraine sẽ không xảy ra vào năm 2022.

Phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp về công tác chuẩn bị cho World Cup ngày 6/5, ông Trump gọi việc loại Nga khỏi nhóm là một "quyết định không sáng suốt".

"Nếu họ không bỏ phiếu loại Nga, tôi nghĩ có lẽ đã không xảy ra cuộc chiến. Đó là một quyết định rất tồi tệ", ông Trump nói, nhưng không nêu lý do khiến ông đưa ra nhận định này.

Khi được hỏi liệu ông có mời Nga quay trở lại nhóm hay không, ông Trump đáp rằng "giờ không phải lúc thích hợp", phát biểu khác với các tuyên bố trước đó.

Trước đó, vào đầu năm nay, ông Trump từng nói rằng ông "rất muốn" thấy Nga được tái gia nhập G7, đồng thời gọi việc khai trừ Nga là một "sai lầm".

G7 là nhóm các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Anh, Mỹ, Đức, Italy, Canada, Pháp và Nhật Bản. Năm 1997, nhóm đổi tên thành G8 sau khi Nga gia nhập.

Nhóm G8 trở thành G7 sau khi Nga rời khỏi nhóm vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea thông qua một cuộc trưng cầu dân ý không được phương Tây và Ukraine công nhận.

Trước đó, khi bình luận về những phát biểu của ông Trump, Tổng thống Vladimir Putin từng cho rằng việc tái gia nhập Nhóm 7 nước phát triển (G7) không có ý nghĩa đối với Nga vì phương Tây luôn phớt lờ lợi ích của Moscow.

"Đây là một vấn đề. Và đây là sai lầm từ các đối tác phương Tây của chúng tôi", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Ông tiếp tục nói rằng trên thực tế, các nước giàu không sẵn sàng tạo ra một hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế "mở cửa thị trường cho các nền kinh tế đang phát triển và tạo điều kiện tự do cho phát triển và tăng trưởng".

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa bao giờ đề nghị bất kỳ ai để được cho phép quay trở lại G8. Ông Lavrov nói rằng Nga đã tham gia các thể chế khác như SCO, BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi), G20 (Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới) và các thể chế này đều có triển vọng tốt.

"G20 là cơ chế để đạt được sự đồng thuận. Tôi tin đây là cơ chế triển vọng nhất cho tương lai", Ngoại trưởng Nga nói thêm. Ông Lavrov nói rằng Nga đang hoạt động ổn định tại các thể chế khác như G20.

dantri.com.vn

Đọc thêm

Bên trong bảo tàng xe hơi của Tổng thống Nga

Bên trong bảo tàng xe hơi của Tổng thống Nga

Khám phá hành trình lịch sử của những chiếc xe quyền lực nhất nước Nga tại Bảo tàng Garage Đặc biệt Moskva – nơi lưu giữ từ ô tô hoàng gia cổ điển đến siêu limousine Aurus hiện đại của Tổng thống Putin.
Gaza bên bờ vực thảm họa

Gaza bên bờ vực thảm họa

Giá thực phẩm tăng vọt, nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu cạn kiệt, cùng tình trạng phong tỏa viện trợ đang đẩy Gaza đến bờ vực thảm họa nhân đạo tàn khốc.
WHO cắt giảm mạnh nhân sự

WHO cắt giảm mạnh nhân sự

WHO đối mặt khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng do Mỹ cắt giảm viện trợ, buộc phải thu hẹp quy mô và cắt giảm nhân sự trên toàn cầu.