Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững ở huyện Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, xã Thạch Thắng là điểm sáng của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

Tháng 8/2023, bà Hà Thị Xanh (hộ cận nghèo ở thôn Trung Phú) được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo chương trình giảm nghèo bền vững. Thời điểm đó, bà Xanh được hỗ trợ 90 con gà giống và 3 tháng thức ăn cho gà. Tròn 1 năm sau, đàn gà được xuất bán 3 lứa, bà Xanh cũng có thêm nguồn tiền để mua thêm gà giống tái đàn.

Từ mô hình gà ban đầu 90 con, đến nay, bà Xanh đã tái đàn, nâng quy mô đàn gà lên 200 con.

Từ mô hình gà ban đầu 90 con, đến nay, bà Xanh đã tái đàn, nâng quy mô đàn gà lên 200 con.

Bà Xanh chia sẻ: “Nhờ sự tiếp sức kịp thời từ chính sách, tôi có điểm tựa để vượt lên hoàn cảnh, nâng thu nhập gia đình. Lấy ngắn nuôi dài, từ mô hình gà ban đầu 90 con, đến nay, tôi đã nâng quy mô lên 200 con. Bây giờ, gia đình tôi đã thoát hộ cận nghèo”.

Cùng với bà Xanh, năm 2023, xã Thạch Thắng triển khai 44 mô hình nuôi gà từ nguồn ngân sách Nhà nước theo chương trình giảm nghèo bền vững. Các mô hình đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đến nay đều phát huy hiệu quả. Hiện tại, xã Thạch Thắng đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ 18 mô hình chăn nuôi bò. Đây là một trong những địa bàn triển khai được nhiều mô hình giảm nghèo bền vững nhất của huyện Thạch Hà.

Hội LHPN huyện Thạch Hà và Hội LHPN xã Thạch Thắng trao hỗ trợ thức ăn chăn nuôi ngan cho gia đình chị Hiếu (tháng 2/2024).
Hội LHPN huyện Thạch Hà và Hội LHPN xã Thạch Thắng trao hỗ trợ thức ăn chăn nuôi ngan cho gia đình chị Hiếu (tháng 2/2024).

Hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Bùi Thị Hiếu (thôn Hòa Bình) được Hội LHPN xã Thạch Thắng hỗ trợ mô hình thí điểm nuôi ngan sinh sản và hỗ trợ 3 tháng thức ăn. Tháng 2/2024, từ mô hình ban đầu với 400 con ngan bố mẹ, đến nay, đàn ngan sinh trưởng tốt, dự kiến ấp trứng và bán ngan giống trong vài tháng tới.

Chủ tịch Hội LHPN xã Võ Thị Thủy cho biết: “Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của tổ chức hội đoàn thể rất lớn. Nhận thức rõ điều đó, Hội LHPN xã luôn tập trung các giải pháp, nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ sinh kế cho các hội viên hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo; thành lập tổ giúp nhau phát triển kinh tế. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Lũy kế từ năm 2005 đến nay, nguồn vốn dao động 19 tỷ đồng, giúp hàng trăm lượt hội viên giảm hộ nghèo, tăng hộ khá..."

DSC_8891 copy.jpg
Năm 2023, xã Thạch Thắng triển khai 44 mô hình nuôi gà từ nguồn ngân sách nhà nước theo chương trình giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh hỗ trợ mô hình, Thạch Thắng cũng là một trong những xã triển khai hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 3 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân trên địa bàn.

Tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi lợn với thời gian 3 tháng, chị Bùi Thị Nga (thôn Yên Lạc) cho biết: “Lớp học được mở ngay tại xã rất tiện cho quá trình học tập và những kiến thức bổ ích từ lớp học sẽ giúp tôi chăn nuôi hiệu quả hơn, từ đó giúp nâng cao thu nhập gia đình”.

DSC_8929 copy.jpg
Lớp đào tạo nghề chăn nuôi lợn ngắn hạn được tổ chức tại UBND xã Thạch Thắng.

Ngoài ra, xã cũng triển khai đảm bảo các chính sách về hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo… cho người dân; huy động hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà mới cho các hộ dân khó khăn về nhà ở. Trong năm 2023, toàn xã có 5 nhà được xây mới, sửa chữa; riêng 6 tháng đầu năm 2024, xây mới, sửa chữa 5 nhà cho các hộ khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng Hoàng Trọng Dương chia sẻ: “Thạch Thắng hiện có 1.262 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn giảm dần qua từng năm. Hiện toàn xã còn 49 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo. Xác định giảm nghèo bền vững để nâng cao đời sống cho bà con, xã tập trung chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án cụ thể, rõ việc, rõ kết quả. Đó cũng là những giải pháp tiếp tục được xã tập trung để từng bước giảm hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm