Cả hệ thống chính trị Thạch Hà vào cuộc giảm nghèo bền vững

(Baohatinh.vn) - Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đạt được những kết quả tích cực.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng, huyện Thạch Hà đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo đó, thời gian qua, thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch phân công nhiệm vụ, hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở văn bản của huyện, các xã, thị trấn chủ động ban hành kế hoạch thực hiện ở địa phương mình với các mục tiêu, khung chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và phân công, phân nhiệm cho từng cán bộ, công chức, các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

DSC_7sss200.jpg
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân xã Nam Điền từng bước ổn định thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND xã Nam Điền Nguyễn Sỹ Quý cho biết: “Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội. Giảm hộ nghèo, tăng hộ có thu nhập khá là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội và là tiêu chí phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Thực hiện các văn bản chỉ đạo và kế hoạch của UBND huyện, từ tháng 2/2024, UBND xã Nam Điền cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể trên địa bàn. Bám sát kế hoạch, đến nay, trên địa bàn tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%, hộ cận nghèo 2,08% (giảm 3 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo so với năm 2024)”.

Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành kế hoạch tập huấn công tác “Giảm nghèo về thông tin” nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ thông tin - truyền thông ở cấp xã và cộng tác viên thông tin, tuyên truyền ở các thôn, tổ dân phố. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng..

DSC_8791 copy.jpg
Nhiều mô hình sinh kế chăn nuôi gà, bò mang lại hiệu quả, góp phần giúp người dân Thạch Hà giảm nghèo.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo để từng bước vươn lên thoát nghèo. Những năm gần đây, từ nguồn ngân sách nhà nước, huyện Thạch Hà đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo mọi điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.… Triển khai đầy đủ các quy định hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

DSC_8928 copy.jpg
Lớp học nghề chăn nuôi lợn được khai giảng ở xã Thạch Thắng đầu tháng 8/2024.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện đã triển khai 16 dự án phát triển sản xuất cộng đồng tại 16 xã; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 6 dự án ở 6 xã; mở 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 245 lao động nông thôn, trong đó 2 lớp đào tạo nghề cho 70 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực người làm công tác giảm nghèo và đối thoại các chính sách giảm nghèo… Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho 1.940 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng… Phối hợp với Bảo hiểm Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn cấp 44.522 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó 1.783 thẻ BHYT hộ nghèo; 3.625 cận nghèo; 39.114 thẻ BHYT hộ thu nhập trung bình.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình mẹ nuôi 3 người con đều đang tuổi ăn học, chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Tri Lễ, xã Thạch Kênh) đã được ngân sách hỗ trợ sinh kế 109 con gà và thức ăn cho gà trong 45 ngày đầu. Chị Hồng cho biết: “Số gà được hỗ trợ gia đình chăm sóc để bán thịt, bán trứng. Số tiền sau khi bán tôi mua thêm gà giống, nhờ đó, hiện nay số gà đã tăng lên hơn 200 con. Gia đình rất biết ơn sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành giúp tôi có thêm nguồn thu”.

DSC_8796 copy.jpg
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Tri Lễ, xã Thạch Kênh được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi gà.

Không dừng lại ở đó, MTTQ và các ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng tích cực vào cuộc đẩy mạnh các hình thức hỗ trợ người nghèo kiến thức về tổ chức sản xuất, hướng đi nâng cao thu nhập, trao tặng quà thăm hỏi, động viên hộ nghèo và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ xây, sửa nhà…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 22 tỉnh, MTTQ huyện và các đoàn thể trên địa bàn, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 43 ngôi nhà ở với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng nghìn suất quà được trao đến tận tay người nghèo, hộ dân gặp hoàn cảnh khó khăn tiếp thêm động lực, niềm tin cho các gia đình. Các tổ chức chính trị-xã hội cũng triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên của hội viên nghèo; đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo; vận động hội viên, đoàn viên giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều hoạt động thiết thực.

441520444_3660263614214150_366284055506857621_n.jpg
Hội Chữ thập đỏ huyện Thạch Hà trao tặng sổ địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn ở xã Việt Tiến.

Bà Trần Thị Hằng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết: “Quan tâm huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn là nội dung trọng tâm luôn được hội chú trọng triển khai. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị hoạt động ở các lĩnh vực qua hệ thống Hội Chữ thập đỏ toàn huyện đạt 3,7 tỷ đồng, hỗ trợ trên 11.417 lượt đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để các hộ khó khăn, yếu thế có động lực, mở hướng thoát nghèo”.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần, đến nay còn 1.301 hộ, tỷ lệ 3,26% (giảm 13 hộ, tỷ lệ giảm 0,03%) so với đầu năm 2024. Kết quả đó đã góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Ông Nguyễn Bá Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà chia sẻ: “Thời gian tới, bám sát các chỉ đạo của tỉnh, huyện Thạch Hà tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị của UBND huyện với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo để họ có động lực vươn lên thoát nghèo. Thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí vượt khó vươn lên làm giàu của người dân. Tiếp tục triển khai hiệu quả tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, trong đó, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở. Tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, vận động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện các điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững…”

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ và “Hội chợ Tết nhân ái” 2025 là chương trình khởi đầu cho chuỗi hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Tĩnh chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...
Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Nghị quyết số 117/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.