Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê

(Baohatinh.vn) - Tại phiên làm việc sáng nay (15/6), Quốc hội thảo luận, trực tiếp tại hội trường về tình hình KT-XH, các đại biểu Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị tới kỳ họp ý kiến của cử tri và nhân dân Hà Tĩnh về việc dừng dự án sắt Thạch Khê để tỉnh kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung.

Đại biểu Trần Đình Gia - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh bày tỏ quan điểm đồng tình với những nhận định, đánh giá mà Báo cáo của Chính phủ cũng như Thẩm tra của các cơ quan Quốc Hội đưa ra. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự hành động kịp thời, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị và nhất là sự đồng lòng của toàn dân nên tình hình KT-XH nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Đại biểu cho rằng, kết quả đó có sự đóng góp của việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây là một chủ trương lớn, trong khoảng thời gian ngắn, công việc khá phức tạp nhưng với quyết tâm từ Trung ương đến cơ sở và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, các tỉnh, thành đã thực hiện thành công, đúng tiến độ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Đến nay, 43 địa phương đã sắp xếp 18 huyện (giảm được 6 huyện), sắp xếp 1.025 xã (giảm được 545 xã), tiết kiệm ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm (bình quân giảm một xã tiết kiệm khoảng 2 tỷ đồng một năm).

Đoàn đại biểu Quốc Hội Hà Tĩnh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Vũ Lâm Hiển)

Đại biểu đề nghị cần thực hiện phương án, lộ trình và chính sách thoả đáng giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư trước năm 2022 cũng như chú trọng đến việc bố trí cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sau sáp nhập, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch, hành chính, khám chữa bệnh. Đối với cơ sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập, cần khai thác, sử dụng và quản lý một cách hiệu quả tránh để xuống cấp, hư hỏng, lãng phí.

Theo đại biểu, việc triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ dừng lại đến năm 2021, vì vậy đề nghị cần kịp thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và các bước đi cụ thể giai đoạn tiếp theo để sớm triển khai thực hiện tạo sự đồng bộ thống nhất, phát huy hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu nghị quyết đặt ra.

Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị tới kỳ họp ý kiến của cử tri và nhân dân Hà Tĩnh về việc dừng dự án sắt Thạch Khê để tỉnh kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, khai thác phát huy tiềm năng của khu vực, tạo bước đột phá trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sớm khắc phục những ảnh hưởng hết sức nặng nề về đời sống dân sinh tại khu vực.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn: Lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Tiếp tục phát biểu nhấn mạnh ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh khẳng định, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

“Đã không dưới 3 lần, Đoàn đại biểu Hà Tĩnh kiến nghị tại nghị trường Quốc hội và đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, dù Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá đều đồng tình việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê”, đại biểu nói.

Đại biểu cũng nêu: Hà Tĩnh cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc phối hợp giảm thiểu những tổn thất do dừng dự án, hết sức tạo điều kiện để các các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khác tại địa phương.

Về kinh tế - xã hội đại biểu đồng tình cao với các ý kiến phát biểu của các đại biểu trước, đại biểu khẳng định phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với kết quả ngoạn mục có 7/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế vượt so với kế hoạch, 5/12 chỉ tiêu đạt.

Đại biểu cho biết: thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã triển khai kịp thời đối với các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuy nhiên đối với các nhóm đối tượng người lao động và doanh nghiệp là nhóm bị ảnh hưởng sâu về thu nhập trong quá trình triển khai gói hỗ trợ gặp không ít khó khăn do các chính sách quy định chưa hợp lý làm cho địa phương gặp lúng túng trong việc chi trả.

Đại biểu nhấn mạnh rằng, chủ trương chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn là rất tốt, tuy nhiên cần kịp thời và cụ thể hơn để các chính sách được đi vào cuộc sống. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan sớm tổ chức hội nghị trực tuyến để cùng tháo gỡ với địa phương.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói