Doanh nghiệp khó khăn - ngành thuế… “ôm” nợ!

(Baohatinh.vn) - Tính đến đầu tháng 8/2016, tổng số nợ thuế của Hà Tĩnh đã lên đến hơn 344 tỷ đồng, xấp xỉ 12% tổng số thu. Đặc biệt, đối tượng nợ thuế nhiều và lớn lại “rơi” vào khối doanh nghiệp (DN). Theo đánh giá, khi tình hình SXKD không mấy khả quan, DN mất dần “sức khỏe” kéo theo hệ quả là ngành thuế... “ôm” nợ dài kỳ!

doanh nghiep kho khan nganh om no

Sản xuất hàng xuất khẩu ở Công ty CP May Hà Tĩnh

Loay hoay nợ thuế

Khảo sát của Hiệp hội DN tỉnh trong 2 năm lại nay cho thấy, có đến 32% DN “án binh bất động”, không phát sinh thuế; nhiều DN “ngắc ngoải” với hàng loạt khoản nợ lương, bảo hiểm, nợ thuế… Do vậy, ngoài số ít DN ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế chưa cao, còn dây dưa, chây ỳ thì đại bộ phận DN gặp khó về tài chính, không có nguồn nộp đúng hạn.

“Không hay ho gì việc nợ thuế quá hạn, đã bị phạt nộp chậm lại còn “bêu” tên trên các phương tiện truyền thông làm ảnh hưởng đến uy tín trên thương trường, nhưng “sức tàn, lực kiệt”, DN đành chịu mác… nợ dai, đợi lúc nào được giải ngân các công trình đã làm trước đây rồi thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước” - chủ một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại địa bàn huyện Lộc Hà phân trần.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội DN thị xã Kỳ Anh Phan Xuân Hồng cho biết: “Hiện nay, một số công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng khá lâu nhưng vẫn chưa được thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành từ chủ đầu tư nên tình trạng nợ đọng thuế ở các DN xây dựng trên địa bàn là điều dễ hiểu”.

Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 8/2016, tổng số nợ thuế toàn ngành lên đến 344 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu 67 tỷ đồng, nợ chờ điều chỉnh 19 tỷ đồng và nợ có khả năng thu 241 tỷ đồng và một số khoản nợ khác.

Ông Lê Anh Tài - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Chi cục đã triển khai công tác thu nợ thường xuyên và quyết liệt, nhưng DN nợ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản mất khả năng thanh toán, tài sản hầu hết thế chấp ngân hàng, ngừng hoạt động kinh doanh... Ngoài ra, công tác cưỡng chế nợ thuế gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các DN hết thời gian gia hạn nộp thuế đều là các đơn vị thực sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán, tài khoản ngân hàng không có số dư, tài sản đã thế chấp để vay vốn kinh doanh… Do vậy, mặc dù đã ban hành 2.324 lượt quyết định cưỡng chế đối với 628 DN nhưng hiện nay ngành thuế mới thu được 53,6/1.859 tỷ đồng qua biện pháp cưỡng chế nợ thuế”.

doanh nghiep kho khan nganh om no

Công ty CP Dược Hà Tĩnh là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách trên địa bàn.

Không để nợ vượt 3,5% tổng thu

Nhằm “mở đường” cho các DN ổn định sản xuất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Theo đó, nhằm chia sẻ khó khăn với những người nộp thuế có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng đang gặp khó khăn về tài chính, từ 1/7/2016 chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế...

Ngoài ra, quy định về mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời chia sẻ khó khăn với người nộp thuế.

Đối với ngành Thuế Hà Tĩnh, việc đảm bảo thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, trên tinh thần lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN; thường xuyên nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình SXKD của DN nợ thuế; thu thập thông tin phản hồi từ DN để xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế, từ đó có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp cụ thể được xem là “kim chỉ nam” trong việc thực hiện nhiệm vụ truy thu nợ đọng của ngành hiện nay.

Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp triển khai các đoàn giám sát thu ngân sách, chủ động tham mưu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình SXKD cũng như kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển SXKD, tăng thu nhập để có nguồn tài chính nộp thuế, đồng thời tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

“Toàn ngành thuế đang tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; tăng cường đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật để đảm bảo số tiền thuế nợ đến 31/12/ 2016 không vượt quá tỷ lệ 3,5% so với tổng thu ngân sách nhà nước”, ông Lê Anh Tài - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết thêm.

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.