Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải xác định truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng của chính quyền. Tập trung vào người dân, để người dân hiểu và tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.

Chiều 24/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các bộ: Công an, Tư pháp, LĐ-TB&XH; Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng tham gia hội nghị.

Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm: “truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước”.

Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trên toàn quốc.

Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng. Hiện nay, đề án Tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã được ban hành, cho thấy công tác truyền thông được coi là một trong những phương thức quan trọng để gia tăng hiệu quả giám sát và quyết nghị các vấn đề, chính sách lớn của Quốc hội.

Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước luôn có sự tham gia của lực lượng truyền thông chính sách với các kế hoạch truyền thông chi tiết, được ban hành trong từng giai đoạn.

Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông... ) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Truyền thông chính sách được coi là phương thức quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” đã đưa công tác truyền thông chính sách tham gia từ những công đoạn đầu tiên của việc xây dựng pháp luật.

Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị,

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do Bộ TT&TT tiến hành tại 59 cơ quan là bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác truyền thông chính sách, đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông. Đội ngũ thực hiện truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương chưa được chuẩn hóa. Cùng với đó, nhìn chung, các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách. Việc cấp kinh phí chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên hằng năm, chưa có quy định rõ ràng cho công tác truyền thông chính sách.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố chủ quan, khách quan đang làm ảnh hưởng phần nào tới chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thông qua báo chí như: kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh, thiếu nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng.

Tại Hà Tĩnh, công tác truyền thông chính sách được quan tâm với nhiều hình thức phong phú như: trên các kênh truyền thông của các cơ quan báo chí địa phương (báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói, các kênh truyền thông mạng xã hội). Trong đó, Báo Hà Tĩnh liên tục đổi mới hoạt động tổ chức sản xuất tin, bài, hình ảnh, video clip trên các ấn phẩm chính là báo in hằng ngày, báo in cuối tuần, báo điện tử. Hiện, trang fanpage đã được facebook gắn tích xanh với gần 430 ngàn lượt theo dõi.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình, xây dựng kênh truyền thông trên mạng xã hội đạt 531 ngàn lượt theo dõi; xây dựng các chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”, “Pháp luật và đời sống”, “Đảng trong cuộc sống”. Các hình thức khác cũng được chú trọng như: bản tin của các ban Đảng, sở, ngành, huyện, thị thành; các kênh truyền thông của các địa phương như trang thông tin điện tử, kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội…

Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027".

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông cũng đã dành phần lớn thời gian để chia sẻ các vấn đề trọng tâm trong thực hiện công tác truyền thông chính sách như tổ chức bộ máy, vị trí, việc làm, định mức biên chế, công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách; bố trí kinh phí; sứ mệnh của công tác báo chí trong truyền thông chính sách; kinh nghiệm truyền thông chính sách trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.

Đổi mới truyền thông chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của hệ thống chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, hiện nay, nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên công tác truyền thông chính sách cần linh hoạt, chủ động để người dân hiểu đúng được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Vì thế, công tác truyền thông chính sách cần chú trọng thông tin đầy đủ tinh thần các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chính sách, chương trình hành động... của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đến với người dân.

Các bộ, ngành, địa phương phải xác định truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng của chính quyền. Truyền thông chính sách tập trung vào người dân, để người dân tham gia tích cực vào xây dựng chính sách pháp luật với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”; cần chú trọng công tác truyền thông trước, trong và sau khi ban hành chính sách để đánh giá, có cái nhìn đa chiều trong thực tiễn.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm để góp ý, phản biện trong quá trình đánh giá thực hiện chính sách.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách phục vụ quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực dẫn dắt dư luận; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu truyền thông trong bối cảnh mới; khuyến khích đổi mới, sáng tạo về hình thức để truyền tải thông tin đa chiều đến với người dân.

Đồng thời, chú trọng tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, gắn với truyền thông chính sách với đấu tranh phản bác các luận điệu, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí, không gian mạng.

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.