Động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp Hà Tĩnh hiện đại và hội nhập

(Baohatinh.vn) - Trong 5 năm (2015- 2020), phong trào thi đua yêu nước ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã vượt qua giới hạn của ngành, trở thành động lực để kết tinh sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đưa nông nghiệp “chuyển mình” tìm giá trị mới…

Vụ lúa xuân 2020 được đánh giá là năm thành công nhất nhất từ trước tới nay

Giai đoạn 2015- 2020, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh tập trung tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới thì đồng thời với lúc đó các phong trào thi đua được triển khai mạnh mẽ. Hàng loạt phong trào được “ấn nút” khởi động như: phong trào “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện thành công Tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Phong trào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; Phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; “Tích cực đầu tư, thâm canh, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, dự tính dự báo, chủ động phòng trừ dịch bệnh”; Phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và Phát triển nông thôn”…

Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đầu tư bài bản, đồng bộ, cho hiệu quả kinh tế cao

Ở mỗi lĩnh vực, đơn vị thuộc Sở NN&PTNT lại được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ, vị trí việc làm. Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Sở đã phối hợp với công đoàn ngành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, đánh giá tình hình thực tiễn tại cơ sở. Mục tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành.

Đặc biệt, đối với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi còn phối hợp với địa phương tạo ra sức lan tỏa trong toàn nhân dân, đưa phong trào phát huy một cách sâu rộng. Quan trọng hơn, nó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn để nâng cao thu nhập bền vững cho người sản xuất”.

Nuôi tôm sinh học, một trong những xu hướng nuôi trồng mới, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa thân thiện với môi trường

Những ranh giới được xóa bỏ, phong trào thi đua ngành nông nghiệp không chỉ bó hẹp trong cán bộ, công nhân viên hay đơn vị trực thuộc của Sở NN&PTNT mà trở thành cuộc cách mạng rộng lớn của toàn dân. Càng sản xuất càng thi đua, lần đầu tiên Hà Tĩnh tích tụ được ruộng đất sản xuất lúa, cũng lần đầu tiên sản phẩm lúa gạo Hà Tĩnh được ghi danh trên thị trường xuất khẩu…

Và, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đang “thay da đổi thịt” cho các vùng nông thôn bởi những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, những vùng quê “trù phú - an lành”, xanh- sạch- đẹp. «Đặc sản» «Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) xây dựng 72 sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn OCOP (3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Nông dân xã Thuận Lộc phấn khởi vì có Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh thu mua lúa tươi tại ruộng

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh cho biết: “Công ty thực hiện “vòng tròn khép kín” trong sản xuất lúa gạo, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và thực hiện chế biến sâu theo công nghệ hiện đại. Hiện nay, thương hiệu “Gạo Ngọc Mầm”, sản phẩm đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh năm 2019. Không chỉ có gạo, sản phẩm từ lúa gạo còn chế biến ra bún, miến, bột sữa gạo, tinh bột gạo...”

Từ các phong trào thi đua, Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều những “nông dân công nghệ cao”, những mô hình chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Mô hình trồng dưa lưới ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) cho thu nhập cao ở Thạch Hà

Điển hình như: mô hình sản xuất Dưa lưới công nghệ cao trong nhà và chăn nuôi tổng hợp ông Lê Văn Bình, HTX Nga Hải, xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) cho doanh thu hàng năm gần 10 tỷ đồng; Mô hình thu mua và chế biến thủy sản tại HTX Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) thu lợi nhuận đạt trên 1,5 tỷ (gấp hơn 3 lần trước đây), giải quyết việc làm cho 14 lao động thường xuyên; Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô 500 con/lứa tại hộ ông Nguyễn Viết Thuấn, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) cho thu nhập bình quân 3 tỷ đồng/năm. Mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn (Thạch Hà)...

5 năm nay, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng có lợi thế với tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất tăng từ 30,4% (năm 2015) lên trên 46% (năm 2020); Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị nông nghiệp tăng từ 48,8% lên trên 53,2% ; tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 6,4% lên 7,8%; thủy sản tăng từ 12,4% lên 16,5%...

Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang có hành trình vững chắc để tiến vào “cuộc chơi lớn”- nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói