Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo: Điểm tựa mới, niềm tin mới

(Baohatinh.vn) - Tiếp nối chuỗi hành trình của Quỹ nông nghiệp quốc tế (IFAD) với mục tiêu XĐGN của Hà Tĩnh, ngày 21/2/2014, dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) chính thức được triển khai.

Đây là cơ hội và động lực cho người nghèo hội nhập trong quá trình phát triển kinh tế. Những bước đi đầy quyết tâm của dự án đang bắt đầu từ sự chủ động, tự tin của Ban điều phối dự án SRDP-IWMC và từ cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh với nhà tài trợ IFAD.

Với sự “chung lưng đấu cật” của Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) từ năm 1997 đến nay, đời sống của người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là các vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp và thường xuyên gánh chịu hậu quả của thiên tai nên đến nay Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nằm ở tốp các địa phương dưới mức bình quân của cả nước. Đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân còn nhiều khó khăn. Yêu cầu của thực tiễn, niềm tin của nhà tài trợ từ thành công của dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo (IMPP) đã triển khai trước đó, đặc biệt là sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và MTTQ cùng những cam kết của UBND tỉnh đối với dự án mới, IFAD tiếp tục dành nguồn lực mới cho Hà Tĩnh. SRDP chính thức triển khai hoạt động đã thắp lên nhiều hy vọng mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện (bên phải ảnh) cùng lãnh đạo IFAD châu Á Thái Bình Dương thăm HTX TTCN và TMDV Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên

Dự án SRDP xây dựng mục tiêu lâu dài là cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ nghèo ở nông thôn tại các xã vùng cao ở Hà Tĩnh. Để đi tới mục tiêu này, SRDP hướng tới việc đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo; nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh ở nông thôn thông qua việc kết nối nông dân với doanh nghiệp và hợp tác công tư.

Với 5 mục tiêu cốt lõi: cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng vùng nông thôn; nâng cao nhận thức và chủ động tiếp cận với thị trường; nâng cao kiến thức kỹ năng về thị trường và tổ chức sản xuất cho bà con nông dân; phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp có lãi và bền vững; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động nông thôn, dự án thực hiện trong thời gian 5 năm (2014-2018) trên địa bàn 50 xã của 10 huyện với tổng nguồn vốn đầu tư 22.917 triệu USD.

Dự án hướng mục tiêu vào các đối tượng hộ nghèo vùng nông thôn có đất và nhân lực lao động phổ thông chưa được đào tạo nghề, người dân nông thôn thiếu đất sản xuất nhưng có nguyện vọng và khả năng sản xuất; các doanh nghiệp - thương nhân quy mô nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp có khả năng sinh lời. Trong quá trình thực hiện, dự án sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nghèo, phụ nữ - đối tượng dễ bị tổn thương.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các nội dung dự án SRDP Hà Tĩnh được thiết kế theo 4 tiểu hợp phần chính bao gồm: lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường (MoSEDP); dịch vụ tài chính nông thôn; phát triển chuỗi giá trị và thị trường, quản lý dự án. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa bền vững được xem là yếu tố cốt lõi và MoSEDP được ví là “xương sống” của dự án.

Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung, kế hoạch triển khai dự án trong thời gian tới tại Hội thảo khởi động Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình (16/1/2014).

Kế thừa và phát huy những kết quả của dự án IMPP, dự án SRDP sẽ nâng cao kỹ năng về thị trường, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập một cách bền vững. Bước đi của dự án sẽ bắt đầu từ việc ứng dụng phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường đến tận cấp xã, thôn. Bên cạnh đó, chú trọng đến hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và lồng ghép thách thức của biến đổi khí hậu vào sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là điểm mới và khác biệt đối với IMPP.

Theo kế hoạch, năm 2014, dự án sẽ được triển khai thí điểm tại 20 xã trên địa bàn 10 huyện. Trong đó 13 xã của 3 huyện vùng cao và 7 xã thuộc 7 huyện vùng đồng bằng. Năm 2015, sẽ tiến hành đồng loạt tại 50 xã. Riêng hoạt động lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho toàn tỉnh đối với cấp xã và chọn 2 huyện làm điểm về thực hiện MoSEDP cấp huyện trong năm 2015.

SRDP được triển khai trong giai đoạn Hà Tĩnh đang trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nguồn lực và hướng tiếp cận mới của dự án sẽ cộng hưởng cùng những chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương với mục tiêu nâng cao đời sống người nông dân. Bởi vậy, quan điểm xuyên suốt của UBND tỉnh là thực hiện bằng được cam kết với nhà tài trợ về sự sát cánh, đồng hành của chính quyền trong suốt quá trình triển khai dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện khẳng định: “SRDP chính là nguồn lực quý để kinh tế Hà Tĩnh tăng tốc. UBND tỉnh Hà Tĩnh cam kết tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức thực hiện dự án đúng lộ trình, nội dung, đảm bảo hiệu quả cao nhất”.

SRDP đang được khởi động với sự quan tâm đặc biệt của IFAD đối với dự án. “Dự án này được mở ra sau khi IFAD đã xem xét và đánh giá cao thành công của dự án trước đó (IMPP). Tuy nhiên, dự án mới sẽ có những tiếp cận mới, do đó, việc hỗ trợ kỹ thuật là rất quan trọng” - Giám đốc IFAD tại Việt Nam - ngài Henning Pedersen nhấn mạnh. Từ đó có thể nói rằng, SRDP sẽ là điểm tựa, là niềm tin để các đối tượng nghèo tăng tốc, bắt nhịp với lộ trình xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Các chỉ số cơ bản của SRDP sau 5 năm triển khai ở Hà Tĩnh là giảm 50% hộ nghèo tại các xã thực hiện dự án; có 10.000 hộ nghèo tham gia các tổ chức kinh tế nông dân sinh lợi được dự án hỗ trợ; tăng 30% số việc làm trong các xã dự án; có ít nhất 50 doanh nghiệp, tổ hợp, HTX ở cấp xã đi vào hoạt động và khoảng 6 sáng kiến cấp tỉnh về chuỗi giá trị hợp tác công tư khả thi về mặt tài chính đi vào hoạt động…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói