Video: Hoạt động sản xuất của cơ sở mây tre đan Xuân Sơn
Từ buôn cua đồng đến “ông chủ” mây tre đan
Như nhiều bạn trẻ trong làng, năm 1998, khi vừa học xong cấp 3, anh Nguyễn Xuân Sơn quyết định ra Bắc kiếm việc làm để đỡ đần cho gia đình. Sau nhiều năm bươn chải nơi đất khách, năm 2008, anh bén duyên với nghề buôn cua đồng ở TP Phủ Lý (Hà Nam).
Công việc buôn bán thuận lợi, anh Sơn mở cho mình cửa hàng thu mua riêng. Từ nghề này đã giúp anh có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện giúp đỡ gia đình ở quê.
Anh Nguyễn Xuân Sơn hỗ trợ công nhân kéo sợi mây.
Những tưởng việc buôn bán cua đồng sẽ gắn bó lâu dài với anh, thì đến đầu năm 2019, anh được một người bạn ở làng mây tre đan Ngọc Động (Duy Tiên, Hà Nam) “mách nước” làm giàu từ nghề sản xuất mây tre đan.
Sau nhiều lần trăn trở, tìm hiểu, anh Sơn đã quyết định theo học nghề. Quá trình tiếp cận với những sản phẩm từ mây tre như: ghế, bàn, giỏ... anh Sơn như bị “hút” theo từng sản phẩm.
Những sản phẩm mây được vuốt sạch trước khi làm bàn ghế.
Anh Sơn tâm sự: “Qua tìm hiểu, nhận thấy các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các quán cà phê tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng... có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm mây tre, nhưng nguồn cung mặt hàng này lại không nhiều, tôi nghĩ đây chính là cơ hội “đổi đời” của mình và không ngần ngại nắm bắt.
Bằng những kiến thức, kỹ năng tích lũy được tại làng nghề mây tre đan Ngọc Động, cùng một ít vốn tích góp được, đầu năm 2019, tôi quyết định trở về quê lập nghiệp”.
Những bộ bàn ghế được sản xuất đẹp mắt tại cơ sở Xuân Sơn.
Nghĩ là làm, bằng số vốn 200 triệu đồng và vay mượn thêm từ ngân hàng, người thân, anh Sơn đã về quê mở xưởng mây tre đan với kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Anh Sơn chia sẻ: “Ngày bắt đầu mở xưởng, nguồn vốn có hạn nên tôi đã gặp không ít khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Mặt khác, nghề đan mây tre là một ngành nghề mới mẻ ở địa phương, cần sự khéo léo và tỉ mẩn của người thợ. Do đó, tôi phải đầu tư nhiều về thời gian, công sức để chuyển giao các kỹ thuật đan mây, thiết kế mẫu mã cho công nhân. Hơn nữa, sản phẩm ngày đầu làm ra còn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Dẫu vậy, những gập ghềnh trên con đường khởi nghiệp ấy không làm tôi chùn bước”.
Ngoài sản xuất các sản phẩm bàn ghế, cơ sở của anh Sơn còn sản xuất sợi mây nguyên liệu để xuất khẩu sang nước ngoài và các làng nghề mây đan trong nước.
Bằng bàn tay tài hoa và sáng tạo, anh Sơn đã vượt khó vươn lên, xây dựng sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Đến nay, sau 3 năm xây dựng, cơ sở sản xuất mây tre đan của anh đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Ngoài sản xuất các sản phẩm bàn ghế, cơ sở của anh Sơn còn sản xuất sợi mây nguyên liệu để xuất khẩu sang châu Âu và các làng nghề mây đan trong nước.
Nỗ lực đưa sản phẩm mây tre đan “made in Hà Tĩnh” sang trời Âu
Những sản phẩm mây tre được các công nhân tỷ mẩn hoàn thiện.
Với doanh thu hiện tại đạt từ 550 - 700 triệu đồng/tháng, cơ sở mây tre đan Xuân Sơn đang từng bước vươn tầm, không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm mây tre đan của anh Sơn còn mở rộng thị trường sang “trời Âu”.
Đây chính là “đòn bẩy”, động lực để anh Sơn mở rộng quy mô sản xuất, nỗ lực xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP để bền vững đầu ra trong tương lai.
Sản phẩm của anh Sơn được khách hàng tin tưởng sử dụng bởi chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. (Ảnh: NVCC).
Anh Sơn phấn khởi cho biết: “Hiện tại, bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất xưởng khoảng 7 - 10 tấn mây sợi, với giá 65 triệu đồng/tấn và 70 bộ bàn ghế, với giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/bộ.
Các sản phẩm ngoài tiêu thụ thị trường trong nước còn được chuyển đến đầu mối thu mua tại Hà Nam, rồi được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, cho doanh thu đạt từ 550 - 700 triệu đồng/tháng”.
Bình quân mỗi tháng, cơ sở Xuân Sơn xuất xưởng khoảng 7 - 10 tấn mây sợi và 70 bộ bàn ghế, cho doanh thu từ 550 - 700 triệu đồng/tháng.
Thị trường tiêu thụ ổn định, cơ sở sản xuất mây tre đan Xuân Sơn đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng.
Anh Nguyễn Đình Trường (SN 1984, thôn Trung Sơn, xã Cẩm Sơn) chia sẻ: “Được anh Sơn đào tạo nghề, không chỉ tôi mà gần 20 lao động trên địa bàn đã có việc làm ổn định với mức thu nhập khá cao. Hiện tại, công việc của tôi là đứng máy kéo sợi mây, mức lương 300 nghìn đồng/ngày. Gắn bó với cơ sở đã được 3 năm, nhưng chưa khi nào chúng tôi phải nghỉ làm vì hết việc, gần như sản phẩm làm ra tới đâu là hết đến đó, nhiều thời điểm chúng tôi phải tăng ca mới đủ hàng trả khách”.
Anh Sơn đang nỗ lực xây dựng sản phẩm mây tre đan đạt chuẩn OCOP để bền vững đầu ra trong tương lai.
Anh Sơn cho biết: “Với số lượng công nhân này, mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ hơn 1 tấn mây nguyên liệu, tạo ra được hơn 3 tạ mây sợi và khoảng 3 bộ bàn ghế. Dù đã làm hết công suất, nhưng nhiều lúc sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng các đơn hàng. Như thời điểm hiện tại, chúng tôi không dám nhận thêm đơn vì sợ làm không kịp”.
Để ổn định đầu ra trong tương lai, hiện anh Sơn đang hoàn thiện các hồ sơ xây dựng sản phẩm mây tre đan Xuân Sơn đạt chuẩn OCOP. Anh Sơn cho biết: “Việc chú trọng sản xuất ra những sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu của cơ sở hiện nay.
Cơ sở mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp để đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô xưởng và sản xuất ra những sản phẩm ngày càng tinh xảo, đẹp mắt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới”.
Hiện tại, cơ sở sản xuất mây tre đan Xuân Sơn đang tạo việc làm cho 20 lao động, với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng.
Với niềm đam mê, tâm nhuyết, anh Nguyễn Xuân Sơn đang nỗ lực từng ngày để thực hiện ước mơ nâng tầm mây tre đan Xuân Sơn có thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa sản phẩm thủ công truyền thống của quê hương vươn ra nhiều châu lục trên thế giới.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Hoàng Văn Hiệp cho biết: "Cơ sở sản xuất mây tre đan Xuân Sơn là mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn xã. Dù mới thành lập nhưng hoạt động sản xuất của cơ sở luôn đảm bảo đầu ra, tạo việc làm ổn định cho nhiều con em địa phương.
Để tạo được thương hiệu và ổn định đầu ra, địa phương đang hỗ trợ cơ sở hoàn thiện các thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP và đề xuất liên ngành tổ chức thẩm định, chấp thuận. Ngoài ra, xã cũng đang đề xuất với các cấp, ngành quy hoạch đất với diện tích khoảng 1 ha để hỗ trợ cơ sở mở rộng quy mô sản xuất".