Đức cắt giảm ngân sách năm 2024 do nguy cơ suy thoái

Đức sẽ cắt giảm 30 tỷ euro chi tiêu ngân sách và vay mới trong năm 2024 do các dự báo kém lạc quan về triển vọng kinh tế có khả năng tăng trưởng âm trong năm nay.

Theo dự thảo ngân sách tài khoá năm 2024 được công bố ngày hôm qua (03/7), chính phủ Đức cho biết sẽ giảm mức chi tiêu công từ 476,3 tỷ euro trong năm 2023 xuống còn 445,7 tỷ euro trong năm 2024. Các khoản vay mới dự kiến cũng sẽ giảm mạnh, chỉ còn 16,6 tỷ euro cho năm tới so với mức 45,6 tỷ euro trong năm nay.

Các quyết định cắt giảm chi tiêu công và vay mới được đưa ra sau các dự báo kém lạc quan về triển vọng kinh tế khi Đức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp vừa qua (quý 4/2022 và quý 1/2023).

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) mới đây cảnh báo Đức có thể rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nhẹ trong cả năm 2023 với mức tăng trưởng âm 0,3% so với năm 2022 do lạm phát cao kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế này chưa phục hồi hoàn toàn sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp diễn ra 3 năm qua.

Đức cắt giảm ngân sách năm 2024 do nguy cơ suy thoái

Kinh tế Đức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp vừa qua (Ảnh: Reuters).

Chính phủ Đức cũng cho biết ngân sách công phải cắt giảm để tuân thủ quy định về mức trần vay nợ không được vượt quá 0,35% tổng thu nhập quốc dân (GDP) hàng năm bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2023.

Trước đó, để tuân thủ quy định về hạn chế mức nợ công năm 2023, Đức đã phải lách luật bằng cách lập ra các quỹ đặc biệt không được tính vào ngân sách chính thức. Đáng chú ý nhất là việc Quốc hội Đức phê duyệt quỹ trị giá 200 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng mà nước này đang phải đối mặt sau khi mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.

Ngoài ra, Đức đã liên tục bơm hàng chục tỷ euro trong 3 năm liên tiếp vừa qua để hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong dự thảo tài khoá năm 2024, Đức vẫn giữ mục tiêu nâng chi tiêu quốc phòng thường xuyên lên mức 2% GDP theo tiêu chí của NATO, tương đương với gần 52 tỷ euro. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng thường xuyên sẽ nhận thêm khoảng 19 tỷ euro được trích từ Quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro được duyệt ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra để hiện đại hoá quân đội.

Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và việc nước này rơi vào suy thoái có thể tác động tiêu cực đến triển vọng chung của khu vực. Trong báo cáo tháng 6/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2023, gần bằng một nửa so với nền kinh tế Mỹ.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.
Hàn Quốc nỗ lực vượt khủng hoảng y tế

Hàn Quốc nỗ lực vượt khủng hoảng y tế

Chính phủ Hàn Quốc vừa đưa ra một loạt chính sách mới với cam kết sẽ bảo đảm chất lượng đào tạo y khoa nhằm giải tỏa lo ngại của công chúng xứ kim chi về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh có thể ảnh hưởng đến tiêu chuẩn giáo dục, trong bối cảnh Hàn Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành y tế.
Israel tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh của Hamas

Israel tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh của Hamas

Quân đội Israel (IDF) và Cơ quan An ninh Israel (ISA) ngày 17/10 cùng xác nhận thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo Hamas Yahya Sinwar đã bị binh sĩ nước này tiêu diệt ở Dải Gaza một ngày trước đó.
Thương vong lớn trong cuộc không kích mới nhất tại Gaza

Thương vong lớn trong cuộc không kích mới nhất tại Gaza

Theo hãng thông tấn WAFA của Palestine, có ít nhất 28 người Palestine thiệt mạng và 160 người bị thương trong vụ không kích của Israel nhằm vào một trường học có người sơ tán đang tạm trú ở trại Jabalia, phía Bắc Dải Gaza ngày 17/10.