Dừng mỏ sắt Thạch Khê (bài 13): Chưa muộn để khai thác "tài nguyên nổi"!

(Baohatinh.vn) - Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh hồi tháng 1/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dặn: “Để cho Thạch Hải nói riêng và Thạch Hà nói chung phát triển thì có lẽ chúng ta sẽ tạm thời để tài nguyên trong lòng đất (quặng sắt Thạch Khê) và sẽ khai thác tiềm năng về biển”.

Chủ tịch Quốc hội trò chuyện với người dân vùng mỏ Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội cũng là mong muốn rất tha thiết hiện nay của nhân dân 6 xã vùng dự án. Bởi, nếu dừng khi chưa quá muộn thì không chỉ tiềm năng biển mà tiềm năng về sản xuất nông nghiệp cũng là loại tài nguyên có thể mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Hơn nữa, khi khai thác các tiềm năng này, chắc chắn, những rủi ro về môi trường sẽ thấp hơn rất nhiều đồng thời cũng giảm thiểu những tác động xấu đến các lĩnh vực khác.

Được khai thác tài nguyên về biển là nguyện vọng lớn của chính quyền và nhân dân huyện Thạch Hà cũng như người dân Hà Tĩnh. Hiện nay, huyện Thạch Hà đang khẩn thiết đề nghị dừng dự án và đề xuất UBND tỉnh lập quy hoạch khu du lịch biển, quy hoạch thị trấn Quỳnh Viên nhằm giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân.

Du lịch sinh thái biển Thạch Hải cần được khai thác trở lại

Rất tâm huyết với việc khai thác tiềm năng du lịch vùng Nam Giới - Quỳnh Viên - Thạch Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Ngô Đức Huy chia sẻ: “Với những hệ luỵ sau 10 năm triển khai, đến thời điểm này, dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê là tối cần thiết nhằm tránh để các tài nguyên khác tiếp tục bị lãng phí. Dừng việc khai thác bây giờ vẫn chưa quá muộn để có thể khắc phục lại hậu quả và tiếp tục khai thác các tài nguyên khác, nhất là du lịch. Còn phần tài nguyên chìm trong lòng đất, theo tôi vẫn nên chờ đợi thời gian và điều kiện phù hợp hãy nghĩ tới việc khai thác”.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Ngô Đức Huy

So sánh được mất, nhiều ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, không cần thiết “đâm lao phải theo lao”, cố công khai thác để gây nên nhiều hệ luỵ, trong khi xét về khả năng phát triển kinh tế thì các tài nguyên “nổi” cũng rất triển vọng. Trả lời nhiều đơn vị truyền thông, ông Phạm Chí Cường - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: “Phải nhìn vào kinh tế Việt Nam, không phải cứ có tài nguyên là khai thác bằng mọi giá. Phải có tính cạnh tranh, nhìn thị trường để lựa chọn một cách thông minh”.

Chịu tác động về môi trường từ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, những vùng đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ trước đây đang rơi vào tình trạng hoang mạc hóa

Sự lựa chọn thông minh mà ông Phạm Chí Cường nhắc đến chính là sự cân nhắc về hiệu quả kinh tế giữa khai thác quặng sắt ở độ sâu 550m dưới lòng biển với khai thác tiềm năng du lịch, lợi thế sản xuất nông nghiệp. Là sự cân nhắc về mức độ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đến đời sống KT – XH, an ninh trật tự khi khai thác tài nguyên “chìm” và tài nguyên “nổi”.

Đại đa số người dân vùng mỏ đều mong muốn sớm có quyết định dừng dự án...

Theo thống kê của huyện Thạch Hà, hiện nay, tại 6 xã vùng dự án có 99 ha diện tích có khả năng quy hoạch sản xuất rau, củ, quả nhưng vướng quy hoạch mỏ sắt không thể đưa vào quy hoạch, 27,7ha diện tích nuôi tôm nhuyễn thể, nuôi tôm trên cát công nghệ cao bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường, gần 30 ha có khả năng hình thành vùng nuôi trồng thuỷ sản nhưng vướng quy hoạch mỏ sắt, ngoài ra còn có 4ha đưa vào quy hoạch nhưng không triển khai được. Nếu dự án dừng lại thì những tiềm năng này sẽ được khai thác triệt để, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.

... để tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp

Đáp án bài toán so sánh lợi ích và tác động giữa khai thác 2 nguồn tài nguyên đã quá rõ ràng. Dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê để khắc phục hậu quả và tập trung khai thác tài nguyên “nổi”, ổn định đời sống đang là một trong những nguyện vọng thiết tha nhất của người dân 6 xã vùng mỏ và của lãnh đạo các cấp.

Chủ đề Mỏ sắt Thạch Khê

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói